Quảng Nam cần đột phá, phát triển nhanh và bền vững hơn

Hội nghị 'Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030' do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 25-12 tại TP Tam Kỳ có sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu và các đại biểu từ các sở, ban ngành trong tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu các ý kiến, tham luận để giúp Quảng Nam tạo bước đột phá, phát triển nhanh và bền vững hơn.

Hội nghị "Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030" do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 25-12 tại TP Tam Kỳ có sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu và các đại biểu từ các sở, ban ngành trong tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu các ý kiến, tham luận để giúp Quảng Nam tạo bước đột phá, phát triển nhanh và bền vững hơn.

Quang cảnh Hội nghị "Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030".

Quang cảnh Hội nghị "Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030".

Cần thiết phải cơ cấu lại nền kinh tế

Hội nghị nhằm tập hợp tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới có ý nghĩa thực hiện cao giúp Quảng Nam khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng đột phá mới phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam nhanh và bền vững. Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, dự báo các nhân tố mới, yếu tố mới, cơ hội mới và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn 10 năm tới. Qua đó để định hướng mô hình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp; dịch vụ - du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực, khâu đột phá. Đồng thời, hình thành những nhóm giải pháp hữu hiệu để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam; thúc đẩy và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, Quảng Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập, mạnh mẽ, sâu rộng. Đặc biệt là kỷ nguyên công nghiệp 4.0 của nền kinh tế số, xã hội số, tác động rất nhanh, toàn diện đến sự phát triển của các ngành, mọi lĩnh vực. Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế trên thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, việc xác định cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam là vô cùng cấp thiết, nhất là khi tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị các nội dung để phục vụ cho Đại hội lần thứ 22 của tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh cũng cho rằng, với xuất phát điểm thấp, đến nay Quảng Nam nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung; là một trong số ít các địa phương từ một tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách thường xuyên chuyển thành tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương. Năm 2018, quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam đạt trên 91 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011 - 2018 là 13,1%/năm; cơ cấu các ngành phi nông nghiệp đạt 88% GRDP; GRDP bình quân 2.651 USD/người và dự kiến đạt 3.400 USD/người vào năm 2020, bằng 1,13 lần mức bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 7,57% vào năm 2018 và dự kiến giảm còn khoảng 5% vào năm 2020. Trong khi đó, công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực cho tỉnh Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực gần 14,5%/năm, riêng Khu kinh tế mở Chu Lai chiếm hơn 48% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; hoạt động du lịch tăng trưởng khá, đạt 6,5 triệu lượt khách/năm... Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng sản phẩm xã hội đạt mức bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2030 khoảng 10,5%/ năm.

Quảng Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phù hợp với xu hướng phát triển chung. (Trong ảnh: Một góc TP Tam Kỳ).

Nhanh nhưng chưa ổn định

Đồng chủ trì hội nghị, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang phát triển nhanh nhưng không ổn định. Những nỗ lực thực hiện các đột phá về mặt chiến lược, công cuộc xây dựng nông thôn mới, những tác động tiêu cực của thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự dịch chuyển các dòng đầu tư toàn cầu đã tạo nên những yêu cầu mới, khó khăn hơn về mặt quản trị nguồn lực và tư duy quản lý nền kinh tế của tỉnh.

"Tỉnh Quảng Nam hướng tới mục tiêu phát triển đến năm 2030 sẽ đạt mức GRDP bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5%/năm. Đây là mục tiêu cao gấp 1,4 lần so với mục tiêu đề ra của cả nước, nhưng đây cũng là mục tiêu mà TP Đà Nẵng đặt ra và cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hướng đến để tránh tụt hậu. Do đó, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó, Quảng Nam cần chú ý phát triển ngành dịch vụ để trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư cần xây dựng các "con sếu đầu đàn". Đồng thời, ưu tiên 3 lĩnh vực đột phá gồm đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đột phá về khoa học - công nghệ... Nếu công nghiệp chiếm 90%, nhưng lao động chủ yếu vẫn là nông nghiệp hoặc những kiểu lao động dịch vụ, buôn gánh bán bưng thì không thể nào có tỉnh công nghiệp được. Do đó, tôi nghĩ rằng, tái cơ cấu này cái gốc khó nhất là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng. Đó là vấn đề"- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, Quảng Nam là địa phương có tiềm năng lớn về rừng, do vậy cần thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và người dân triển khai các dự án trồng rừng gỗ lớn, tiếp cận chứng chỉ rừng FSC, tập trung được các nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng thành trung tâm chế biến gỗ, để không còn tình trạng các cảng biển ở miền Trung đi xuất khẩu dăm gỗ như hiện nay. Quảng Nam cũng cần sớm quy hoạch khu đô thị sân bay và mở rộng cảng hàng không Chu Lai. Từ đó, phát triển ngành logistics hàng không và đưa sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế của vùng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày các tham luận như: Cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam, thực trạng, những vấn đề và định hướng điều chỉnh; một số khuyến nghị đối với tỉnh Quảng Nam trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030; tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn đến năm 2030; định hướng phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn gắn với công nghệ cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030; chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Nam và một số vấn đề đặt ra về phát triển bền vững...

BÃO BÌNH

Lễ đón vị khách quốc tế thứ 4,6 triệu đến Quảng Nam.

Chiều cùng ngày, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp du lịch năm 2019. Kết quả nổi bật của du lịch Quảng Nam thể hiện qua tổng lượng khách tham quan, lưu trú ước đạt gần 7,7 triệu lượt (tăng 16,93% so với 2018), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14 ngàn tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn kiến nghị một số vấn đề còn tồn tại đồng thời nêu nhiều giải pháp phát triển ngành du lịch Quảng Nam bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao...

Dịp này, 20 giờ cùng ngày, Quảng Nam tổ chức lễ đón vị khách quốc tế thứ 4,6 triệu đến với Quảng Nam trong năm 2019.

L.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_218183_quang-nam-can-dot-pha-phat-trien-nhanh-va-ben-vun.aspx