Quảng Nam- Dân đảo Cù Lao Chàm học tiếng Tây

Bỗng một ngày, những cư dân xứ đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam hăm hở sắm sửa bút thước, tập vở đi… học tiếng Tây. Để giờ đây, bà con đã tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế bằng phương thức lời nói, khép lại cái thời khua chân múa tay… phát mệt!

Lớp xóa “mù” tiếng Anh

Buổi chiều của ngày đầu tháng 12 năm ngoái, dù trời không nổi bão tố, thế nhưng nhà trú bão ở thôn Cấm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An) vẫn mở cửa đón dân. Bởi lẽ, hôm ấy diễn ra một hoạt động vô cùng đặc biệt. Và với những cư dân quanh năm bám đảo mưu sinh, điều đó chẳng khác nào “chuyện lạ mà có thật”.

Các học viên tham gia lớp tiếng Anh của Lê Thị Bích Công

20 con người đủ mọi lứa tuổi tạm gác bộn bề công việc, mang theo tập vở và hăng hái ghi danh lớp xóa “mù” tiếng Anh đầu tiên trên đảo. Cô giáo mở ra lớp học cũng là một người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất nằm biệt lập so với phần còn lại của TP. Hội An. Đó là Lê Thị Bích Công (27 tuổi) - nữ cán bộ Đoàn xã sau quãng thời gian ấp ủ ý tưởng đã mạnh dạn đưa tiếng Tây đến gần hơn với bà con quê mình.

Nhắc lại buổi đầu “khai sinh” lớp học, chị Công chia sẻ: “Phải mất một thời gian đi vận động, bà con mới nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ trong việc phát triển du lịch. Khi danh sách đăng kí đã lên đến hàng chục, mình mới chính thức mở lớp. Điều đáng mừng là hết thảy bà con khi tham gia lớp tiếng Anh đều tỏ ra nghiêm túc. Bản thân mình khi lên lớp cũng phải soạn giáo án và luôn tìm mọi cách truyền đạt làm sao cho học viên dễ hiểu nhất. Có những cô chú trong độ tuổi 40-50 vẫn không ngại ngần tìm tới lớp học để được bổ sung kiến thức”.

Trong số những học viên lớn tuổi mà chị Công nhắc, trường hợp của cô Thu (chủ homestay Thanh Thu, thôn Bãi Làng) là đặc biệt hơn cả. Ngay từ lúc mới nghe phong thanh sẽ có lớp dạy tiếng Anh trên đảo, cô Thu đã sốt sắng tìm gặp trực tiếp Công với mong muốn xóa cơn “mù chữ” Tây. Và sau vài buổi “chạy đua” cùng lớp trẻ, cô Thu đã kịp trang bị cho mình những câu nói xã giao với các vị khách nước ngoài lưu trú tại nhà mình.

“Chúng tôi được cháu Công hướng dẫn nói chuyện là chủ yếu vì chừ mà ngồi học đúng bài bản thì sẽ rất khó khăn. Hiện tại, tôi đã tự tin chào hỏi khách nước ngoài khi đến đăng kí ở nhà mình. Vừa qua, tôi đã thuyết phục con trai đến đăng kí học cùng. Thế là bây giờ 2 mẹ con cùng nhau ôn luyện tiếng Tây để bắt kịp đà phát triển du lịch đang hết sức sôi động trên đảo”, bà Thu vui vẻ nói.

Xa rồi cái thời khua chân múa tay

Mỗi lần ‘lạc chân’ giữa không gian chợ hải sản Tân Hiệp là mỗi lần chúng tôi cảm nhận sự tấp nập ngày càng lớn của ngôi chợ nằm sát mép bờ cảng. Và ở chuyến công tác ra đảo vào những ngày đầu tháng 3 vừa qua, hình ảnh bán buôn của tiểu thương ở ngôi chợ chuyên tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của các ngư dân trên đảo đã cho chúng tôi một cái nhìn hoàn toàn mới.

Khách Tây thích thú chọn mua hải sản ở đảo Cù Lao Chàm

Bằng chứng, cuộc ‘ngã giá’ giữa chị Cao Thị Phương và du khách nước ngoài xoay quanh mực khô khiến chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Cái cách chị diễn đạt bằng tiếng Anh rành rỏi để vị khách phương xa nắm bắt chính xác con số 700 nghìn đồng/kg mực một nắng thực sự quá đỗi đơn giản và dễ hiểu. Sau khi “chốt” xong 2kg mực và nhận lại nụ cười biểu lộ sự hài lòng của khách, chị Phương chia sẻ: “Hồi trước mù tịt tiếng Anh nên cứ mỗi khi gặp khách nước ngoài là ú ớ. Hết khua chân, múa tay được thì nhờ hướng dẫn viên thông dịch. Bây chừ khỏe rồi, bước chân ra từ lớp học tiếng Anh, dù không giao tiếp thuần thục nhưng cũng đủ để tôi phục vụ cho việc bán buôn”.

Người dân đảo Cù Lao Chàm trang bị tiếng Anh từng ngày để phục vụ phát triển du lịch

Rời chợ hải sản Tân Hiệp, chúng tôi tiếp tục cất bước dạo một đường vòng cung ôm lấy âu thuyền và dừng chân trước homestay Trang Vũ (thôn Bãi Ông). Như thường nhật, chị Đặng Thị Trang (chủ homestay) đon đả mời chào đoàn khách nước ngoài bằng câu cửa miệng “welcome”. Thêm đôi ba câu giới thiệu phòng ốc tiện nghi, chị Trang đã thuyết phục các vị khách đồng ý đăng kí lưu trú nhà mình. “Tôi mở loại hình dịch vụ này từ năm 2011. Câu chuyện bắt nguồn từ 3 người khách phương Tây tới xin ở qua đêm. Quả thực lúc đó rất muốn giao tiếp với họ nhưng vì một chữ tiếng Anh không biết nên đành chịu. Thời gian sau thì việc đối thoại với khách đều nhờ hướng dẫn viên. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, sau khi tham gia lớp học trên đảo, tôi đã có thể tự tin trò chuyện với du khách”, chị Trang cho hay.

Nhìn lại thành công bước đầu của chương trình xóa “mù” tiếng Anh, chị Công bộc bạch: “Sắp tới, mình dự kiến mở lớp dạy thêm cho bà con thôn Bãi Hương vì dưới đó khách nước ngoài đến lưu trú cũng rất đông. Vừa qua, do điều kiện xa xôi nên người dân Bãi Hương chưa tiếp cận được lớp học. Mình tin một khi bà con được trang bị đầy đủ kiến thức du lịch, trong đó có cả ngôn ngữ quốc tế thì việc phát triển kinh tế sẽ không còn trở ngại”.

Thanh Ba

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/quang-nam-dan-dao-cu-lao-cham-hoc-tieng-tay.html