Quảng Nam: Đề xuất xây thủy điện vừa và nhỏ nhưng hệ lụy sẽ rất lớn

Liên quan đến việc UBND Quảng Nam đề xuất xây thêm 4 nhà máy thủy điện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Hồng Tịnh lưu ý, thủy điện vừa và nhỏ nhưng hệ lụy rất lớn.

Khi con sông Tranh đang oằn mình gánh từng giọt nước cho nhà máy thủy điện, người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn ngày đêm thon thót giật mình vì động đất từ hệ lụy xây Thủy điện sông Tranh 2, địa phương này lại đề xuất thêm 4 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Đây là vấn đề dư luận có nhiều ý kiến lo ngại.

Hiện, tỉnh Quảng Nam đã có 42 dự án thủy điện gồm 10 dự án lớn, 32 dự án nhỏ và vừa. Vì thế, nhiều ý kiến bất ngờ và lo ngại trước đề xuất này.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh.

Ông Lê Hồng Tịnh không ủng hộ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách tràn lan.

PV: Cá nhân ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường khi xây dựng nhà máy thủy điện? Liệu rằng, đề xuất của Quảng Nam nếu thực hiện có gây những hệ lụy như các dự án thủy điện trước đó?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Tôi đã nghe thông tin về đề xuất xây dựng 4 nhà máy thủy điện ở Quảng Nam mấy hôm nay. Bất cứ một nhà máy thủy điện nào khi xây dựng cũng cần tính toán rất kỹ đến tác động môi trường của nó, nhất là việc phá rừng. Do vậy, dư luận ồn ào về đề xuất kể trên là điều dễ hiểu.

Một nhà máy thủy điện ra đời kèm theo nó rất nhiều hệ lụy. Cái có thể nhìn thấy ngay trước mắt là mất đi nhiều diện tích rừng, hủy hoại môi trường. Vấn đề thiếu điện ở một địa bàn như huyện Nam Trà My vẫn có thể còn nhiều cách khắc phục khác, không phải chỉ duy nhất một hướng là làm thủy điện.

PV: Giả dụ đề xuất này qua được thẩm định, phê duyệt từ các cơ quan chức năng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ lên tiếng thế nào?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Chắc chắn, phía Ủy ban sẽ lên tiếng về vấn đề này nếu nó được phê duyệt. Cá nhân tôi không ủng hộ việc xây dựng 4 dự án nhà máy thủy điện này. Chúng ta không thể đánh đổi hàng trăm hecta đất rừng lấy gần 80MW điện năng trong khi hoàn toàn có thể khắc phục sự cố thiếu điện bằng nhiều biện pháp khác.

Do đó, tôi đề nghị Quảng Nam cần nghiên cứu thật kỹ đề xuất này trước khi ra một quyết định tiếp theo. Bởi thiệt hại về tự nhiên, nhất là bảo vệ rừng rất cấp thiết hiện nay. Để có được 1ha rừng, chúng ta có thể phải gây dựng hàng trăm năm. Nếu chỉ vì những lợi ích kinh tế nhỏ mà đánh đổi diện tích rừng lớn như vậy sẽ rất nguy hiểm.

PV: Việc đua nhau xây dựng nhà máy thủy điện đặt ra nhiều lo ngại về lợi ích nhóm, tàn phá rừng đẩy khó khăn cho người dân. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Có lợi ích nhóm nào đằng sau việc đề xuất xây dựng thủy điện hay không, tôi không dám khẳng định. Nhưng chắc chắn đi kèm với thủy điện sẽ là là phá rừng, làm đường, thậm chí là khai thác gỗ trái phép…

Thủy điện vừa và nhỏ sẽ không có hệ lụy nhiều lắm về vấn đề động đất, nhưng thiệt hại đến môi trường là thực tế nhìn thấy được. Chúng ta đã và đang trong quá trình loại khỏi quy hoạch những dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đề xuất lần này của Quảng Nam thực sự rất khó hiểu. Cá nhân tôi không ủng hộ gia tăng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Vì lợi ích kinh tế mà nó đem lại không lớn nhưng hệ lụy của nó rất lớn. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trong thời gian qua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/quang-nam-de-xuat-xay-thuy-dien-vua-va-nho-nhung-he-luy-se-rat-lon-a332541.html