Quảng Nam: Đình làng hơn 550 năm lưu giữ nhiều giá trị lịch sử

Đình Chiên Đàn được người dân góp sức xây dựng để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công khai thông bờ cõi, lập nên địa hiệu Chiên Đàn. Đây từng là nơi để các bậc anh hùng như vua Lê Thánh Tông, cụ Phan Chu Trinh hay Huỳnh Thúc Kháng bàn quyết sách, kêu gọi người dân đấu tranh giữ nước hàng trăm năm trước.

Đình Chiên Đàn được khai lập khoảng từ năm 1471-1473, nằm tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, cạnh Quốc lộ 1A, cách TP Tam Kỳ khoảng 3km. Đình là nơi được người dân lập nên để thờ tự các vị tiền nhân có công với nước, được phong chức sắc hoặc đỗ đạt vị trí cao trong các kỳ thi xưa.

Đình Chiên Đàn được khai lập khoảng từ năm 1471-1473, nằm tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, cạnh Quốc lộ 1A, cách TP Tam Kỳ khoảng 3km. Đình là nơi được người dân lập nên để thờ tự các vị tiền nhân có công với nước, được phong chức sắc hoặc đỗ đạt vị trí cao trong các kỳ thi xưa.

Cổng đình được thiết kế theo lối kiến trúc xưa, với 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Phía sau cửa chính là bức bình phong và lư hương lớn. Đình đã qua nhiều lần trùng tu trong những năm 1932, 1955, 1967, 1972, 1992 và gần đây nhất là năm 2006. Trên cổng khắc năm 1967 là năm trùng tu cổng đình Chiên Đàn.

Đình Chiên Đàn có 1 nhà chính và 1 nhà phụ. Nhà phụ được gọi là nhà Trù, được người dân sử dụng làm nhà kho, cất các vật dụng thờ cúng tại đình. Hằng năm, cứ đến ngày 15/7 âm lịch, người dân xã Tam Đàn lại tụ họp mở hội đình để tướng nhớ công lao của các bậc tiền hiền.

Đình được xây dựng với 5 gian chính và 2 chái. Bên trong, có 30 cột gỗ kiền kiền lớn có đường kính khoảng 50cm, chia thành 2 hàng dọc. Phía sau là bàn thờ các bậc tiền nhân đã có công với đất nước, có công với làng…

Ông Trương Thanh Chiêu (54 tuổi, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), người trông giữ đình Chiên Đàn từ năm 2006. Ông Chiêu cho biết, đình có tuổi thọ hơn 550 năm nên nhiều phần kiến trúc đã bị ảnh hưởng do thời gian. Vì vậy, Ban Quản lý đình và Trung tâm văn hóa huyện Phú Ninh luôn cố gắng phối hợp, theo dõi cùng các đơn vị thi công trùng tu đình Chiên Đàn để giữ gìn những giá trị lịch sử của đình.

Theo tư liệu lịch sử, đình Chiên Đàn được đặt tên là “Chiên Đàn xã đình”. Đình có quy mô rộng 1.500m2. Trước kia, khi vua Lê Thánh Tông đưa quân đi chinh phạt phương Nam, vua đã sử dụng đình Chiên Đàn để trú ngụ và đưa ra nhiều quyết sách cho những trận chiến. Ngoài ra, đình còn là nơi để các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng diễn thuyết, kêu gọi người dân đấu tranh trong phong trào Duy Tân bùng nổ ở Quảng Nam vào những năm 1904 - 1908.

Đình Chiên Đàn xưa kia ngoài là nơi thờ tự các bậc tiền nhân còn là nơi tổ chức các hoạt động của Làng như hội họp, múa võ… Hiện đình là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của địa phương với quy mô chứa hơn 100 người.

Qua thời gian, nhiều cột gỗ bị hư hại đã được thay thế nhưng hiện trạng kết cấu Đình Chiên Đàn vẫn được giữ nguyên. Những cột gỗ tại đây được chạm khắc do những thợ mộc lành nghề làng Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Ông Trương Thanh Chiêu cho biết, những cột gỗ, kèo… bị hư hại vẫn được Ban Quản lý đình Chiên Đàn giữ làm kỉ vật để giới thiệu cho con cháu trong làng về giá trị lịch sử của đình.

Đình Chiên Đàn được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2002.

Phần mái ngói được lợp âm dương, trên cùng là hình “Lương long triều nguyệt” với 2 con rồng bay lượn quay đầu về nhau. Phần mái hiên đặt hai con kỳ lân quay về hướng Đông Nam.

Đình Chiên Đàn hiện là nơi tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian của địa phương như đánh cờ tướng, nhảy bao bố, hát bài chòi… Người dân Quảng Nam có câu “Nhất La Qua, nhì Thạch Mỹ, ba Chiên Đàn” để nói về 3 ngôi đình làng lớn nhất đất Quảng. Tuy nhiên, do chiến tranh phá hoại nên chỉ còn đình Chiên Đàn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử về ngôi đình làng của người dân Quảng Nam từ xa xưa.

Nguyên Mạnh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quang-nam-dinh-lang-hon-550-nam-luu-giu-nhieu-gia-tri-lich-su-678402.html