Quảng Nam: Gò Nổi nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, tôi có chuyến hành hương về Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cùng vợ chồng doanh nhân Trần Công Cảnh, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tỉnh Bình Phước, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng khu vực phía Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Công trình văn hóa cấp quốc gia này được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận.

Vừa đặt chân đến Điện Bàn, chúng tôi được đồng chí Lê Thân, Bí thư huyện ủy Điện Bàn cởi mở đón tiếp thân tình. Biết tôi về Gò Nổi để tìm hiểu và viết bài về một vùng mảnh đất có nhiều duyên nợ với nhiều người con Xứ Quảng xa quê, đồng chí Bí thư huyện ủy đã tặng cuốn sách “Danh nhân Điện Bàn” làm tư liệu.

Khi trao đổi với ông về đề tài này để còn kịp về Gò Nổi ngay buổi trưa, ông tươi cười nói: “Nhà báo đã về đây thì không nên vội vã. Vùng đất Gò Nổi – nơi xuất thân của nhiều bậc nhân tài anh kiệt, lương tướng năng thần, anh hùng lưu danh trong sử sách. Nhà báo vội vã sẽ không thể không thể có được nhiều tư liệu quý, phải sống ở vùng đất này một thời gian mới cảm nhận rõ về đất và người nơi đây. Chỉ riêng những tư liệu về chí sĩ Trần Cao Vân, nhà báo cũng phải mất vài ngày để tìm hiểu rồi!”.

Nghe lời khuyên của ông Bí thư huyện ủy Điện Bàn (ảnh trên), tôi quyết định ở lại Quảng Nam thêm một tuần nữa. Ban ngày, tôi cùng vợ chồng doanh nhân Trần Công Cảnh đi thực tế các địa danh, ban đêm về lật mở từng trang sách “Danh nhân Điện Bàn” và “Người Điện Quang”. Từng trang sách như dẫn tôi vào vùng đất của các danh nhân lịch sử mà tôi đã được học từ thời phổ thông.

Các tư liệu khẳng định, Gò Nổi vốn đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Họ theo lệnh triều đình trong quá trình Nam tiến đã vào Nam bằng đường biển. Khi đến Cửa Đại (Hội An), họ nhận thấy đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về hướng tây là dòng sông Thu Bồn hiền hòa trải dài trên vùng đồng bằng phì nhiêu vào loại bậc nhất của miền Trung. Những cư dân này đã ngược chèo dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi vùng đất được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá; cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ vùng đất này đã sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước.

Từ Hoàng Diệu, vị Phó Bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành; Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sỹ; Chí sĩ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động trong cả nước; Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh của y sỹ, liệt sỹ Lê Đình Dương cùng bác sỹ, cư sỹ Lê Đình Thám; Lê Đình Dương (1884 - 1916) là đảng viên Việt Nam Quang phục hội. Ông bị thực dân Pháp bắt, lưu đày ở Khánh Hòa rồi Buôn Mê Thuột và mất tại đây.

Phối cảnh Khu di tích lưu niệm và đền thờ Chí sĩ Trần Cao Vân

Phạm Thâm là người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Điện Quang vào những năm trước 1930, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam năm 1930; Trần Công Chương là người học cao, hiểu rộng, người có tinh thần yêu nước, yêu dân, được nhân dân kính trọng; Phan Thành Tài là một trong những nhân vật quan trọng của phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời là một nhân vật trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Huế năm 1916…

Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh. Ông là đại biểu lỗi lạc của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III (1938-1939); Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Thị Bình - nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002); Nữ Anh hùng Trần Thị Lý - người con gái Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Hay Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; Mẹ Việt Nam Anh Hùng của cả nước Nguyễn Thị Thứ; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng... suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người cũng được sinh ra từ Gò Nổi.

Công trình đang xây dựng phần chính điện đến đầu tháng 9 năm 2017

Quả đúng như lời Bí thư huyện ủy Điện Bàn Lê Thân đã nói, tư liệu về chí sĩ Trần Cao Vân rất phong phú và hấp dẫn.

Chí sĩ Trần Cao Vân có tên thật là Trần Công Thọ, khi đi thi hương lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh Như Ý; đến khi hoạt động cách mạng thì đổi thành Trần Cao Vân, biệt hiệu Hồng Việt, Chánh Minh và biệt danh là Bạch Sĩ.

“Cuộc đời Trần Cao Vân như mọi người đều biết, là một trái tim yêu nước đến vỡ máu cho tới khi dập nát, đối diện với một chuỗi dài những gian khổ và tù đày tưởng như giặc Pháp đã chọn và dành riêng cho ông. Hai mươi tuổi từ biệt gia hương để tìm đường cứu nước. Hai mươi sáu tuổi vào Bình Định chuẩn bị căn cứ chống Pháp. Ba mươi hai tuổi ở tù ngục Phú Yên vì tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa “Giặc Rựa”; ba mươi bốn tuổi vào ngục Bình Định và Quảng Nam vì tư tưởng “Trung Thiên Dịch”. Bốn mươi hai tuổi ở tù Côn Đảo vì Phong trào chống thuế. Năm mươi tuổi hy sinh ở bãi chém An Hòa, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Ba mươi năm chiến đấu dẫm lên hoạn nạn, chủ nghĩa yêu nước đã được Trần Cao Vân đúc kết thành tuyên ngôn và hiệu triệu hành động, vừa trả lời giặc: “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân” (Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Chí sĩ Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, Điện Bàn), trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hiến và truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng. Và dường như từ rất sớm, truyền thống quê hương và gia đình đã thấm đẫm vào tâm tính, cốt cách con người ông.

Với tư chất thông minh, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ văn tài qua cách ứng đối nhiều tình huống ngay trong lớp học. Năm 17 tuổi (1882), xét khả năng học vấn có thể đổ đạt, ông dự định ra Huế dự thi khoa Nhâm Ngọ, nhưng chẳng may bị bệnh nặng, không thể lên kinh ứng thí.

Bước vào tuổi thanh niên, như bao người con ưu thời mẫn thế khác của xứ Quảng, lại chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử để dấn thân vào con đường cứu nước.

Năm 1887, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam với kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, ông tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (làng An Định, nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) để dễ bề hoạt động. Tại đây, ông đã gặp được một người tâm huyết cùng chí hướng là Thừa Tô (Võ Thạch) – con trai của cai Tổng Trưng ở làng Đại Giang, vốn là bạn học ở trường Huấn với Trần Cao Vân. Năm Tân Mão (1891), chùa Cổ Lâm bị khám xét. Thấy tình thế không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông về làng Đại Giang mở trường dạy học. Cũng năm ấy, do yêu mến nhân cách và học thức của bạn nên ông Thừa Tô đã vun vén để Trần Cao Vân cùng với em gái mình là Võ Thị Quyên thành vợ thành chồng.

Thời kỳ này, thực dân Pháp đã chiếm gần hết cả đất nước và đặt ách đô hộ lên nhân dân ta. Trước tình cảnh nguy nan của đất nước, năm 1892, Trần Cao Vân giã từ quê hương để vào Bình Định, Phú Yên gặp Võ Trứ, cùng nhau lãnh đạo cuộc chống Pháp ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo thất bại, Võ Trứ và Trần Cao Vân đều bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Phú Yên. Võ Trứ – người thủ lĩnh khôn ngoan và dũng cảm, nhận hết trách nhiệm về mình. Nhờ vậy, Trần Cao Vân được Pháp thả. Ra khỏi tù, năm 1900, Trần Cao Vân nghiên cứu, khởi xướng thuyết “Trung Thiên Dịch”. Một học thuyết nằm giữa “Tiên Thiên Dịch” của Phục Hy và “Hậu Thiên Dịch” của Văn Vương thời cổ đại Trung Quốc.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ bị thất bại, Trần Cao Vân vẫn tiếp tục bị bệnh trầm trọng. Ông được đệ tử chuyển lên trú tại động Bà Thiêng. Trong lúc Trần Cao Vân bị bệnh tình nguy kịch, vợ ông – bà võ Thị Quyên – đã gửi hai con trẻ – một lên 5 tuổi, một vừa thôi nôi – nhờ người thân thiết chăm nom để lên núi chăm sóc chồng. Bà đã vượt qua muôn ngàn thử thách, lặn lội vào các buôn làng người dân tộc, xin thuốc để chữa bệnh cho nhà chí sĩ cách mệnh.

Sau khi bệnh tật thuyên giảm, Trần Cao Vân tiếp tục dạy học trò và bắt đầu phổ biến thuyết “Trung thiên dịch”. Ông bị bắt và bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án 3 năm khổ sai.

Ngồi tù một năm tại Bình Định, Trần Cao Vân bị di lý về giam tại Quảng Nam thêm hai năm nữa. Sau khi mãn hạn tù, Trần Cao Vân trở về nhà tiếp tục liên hệ với những người cùng chí hướng. Vào lúc phong trào chống thuế năm 1908 bùng nổ ở Quảng Nam rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, chính quyền thực dân phong kiến bắt các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Châu Thượng Văn… Chúng bắt cả Trần Cao Vân. Trần Cao Vân bị kết án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo vào ngày 8 tháng 8 năm Mậu Thân (1908) cùng với các chí sĩ yêu nước khác của đất Quảng.

Nhờ có sự vận động của môn đồ và một số người có cảm tình với Trần Cao Vân ở triều đình Huế nên Trần Cao Vân chỉ bị giam ở Côn Đảo 6 năm rồi được ân xá. Tháng Chạp năm Giáp Dần (1-1914) Trần Cao Vân về đến Hội An. Ngày 30/1 Âm lịch năm Ất Mão (1915) thân sinh ông từ trần. Thu xếp việc nhà xong, người con trung hiếu Trần Cao Vân lại tiếp tục lên đường dấn thân vào sự nghiệp cách mạng và đã liên hệ với những người cùng chí hướng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo. Trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, Trần Cao Vân cùng với Thái Phiên được giao nhiệm vụ bí mật xin hội kiến vua Duy Tân, nhằm vận động vua tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vua Duy Tân đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ được tiến hành vào lúc 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916.

Trần Cao Vân và Thái Phiên được giao chỉ huy khởi nghĩa ở Huế. Nhưng đáng tiếc, cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ từ trước giờ khởi sự. Trần Cao Vân, Thái Phiên và vua Duy Tân cùng những người đồng chí hướng đều bị Pháp bắt. Nhằm bảo vệ tính mạng cho vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân nhận lãnh hết trách nhiệm về mình.
Ngày 16 – 4 năm Bính Thìn (tức 17 – 5 – 1916), Cổng Chém An Hòa tại Huế đã ghi nhận khí phách anh hùng vì nước của Thái Phiên và Trần Cao Vân, cùng với hai đồng chí của ông là Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu.

Rời Gò Nổi về tới Hà Nội, nhớ lại lời trao đổi chí tình của Bí thư huyện ủy Lê Thân: “Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi” để nói lên mức độ ác liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng của những người con quyết “một tấc không đi, một li không rời”…Chí sĩ Trần Cao Vân là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc ngày từ những đầu kháng Pháp; công lao của Cụ đã được ghi vào sử sách, là niềm tự hào của quê hương Điện Bàn về một bậc tiền nhân đã từng làm rạng rỡ cho non sông đất nước.

Cấp ủy và chính quyền địa và nhân dân huyện Điện Bàn cùng con cháu tộc Trần Công đang nỗ lực xây dựng Khu di tích lưu niệm và đền thờ Chí sĩ Trần Cao Vân tại quê hương của cụ xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Công trình này có không chỉ có ý nghĩa tri ân công tích của các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhờ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây” mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cùng với khu lưu niệm, đền thờ, tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ; đền thờ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, các chứng tích cách mạng, danh thắng của địa phương…Khu di tích lưu niệm và đền thờ Chí sĩ Trần Cao Vân sẽ thành chuỗi du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn phục vụ nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Đó là chủ trương đã được cấp ủy và chính quyền thống nhất triển khai. Tuy nhiên do, điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, đầu tư công giảm, cấp ủy, chính quyền rất ủng hộ chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực, nhà nước và nhân dân cùng làm. Trước mắt, chính quyền đã giao đất xây dựng với diện tích trên 1800 mét vuông để xây dựng công trình.

Nhân đây, nhờ nhà báo chuyển lời kêu gọi của chúng tôi tới cán bộ, nhân dân, dòng tộc Trần Công, bà con đồng hương Xứ Quảng xa quê, các cơ sở bệnh viện, trường học vinh dự được mang tên Chí sĩ Trần Cao Vân, các mạnh thường quân, các tổ chức cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Nam chung tay xây dựng công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử này được hoàn thành đúng tiến độ”.

Quyết Tuấn |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quang-nam-go-noi-noi-sinh-ra-nhieu-bac-hien-tai-56269