Quảng Nam: Khắc phục khó khăn do lũ cát

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ, thuộc xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), ngoài chịu những hậu quả do mực nước dâng cao gây ngập úng trên diện rộng, nhiều hộ gia đình tại đây còn bị lũ cát tràn vào vùi lấp cả nhà cửa, ruộng, vườn, gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống...

Cát lấp gần nửa nhà dân

Theo nhiều người dân của hai thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ, đợt mưa lũ vừa qua tuy không lớn nhưng lại gây nhiều hậu quả cho bà con. Trong đó, ngoài những thiệt hại về nhà cửa, vật nuôi bị nước cuốn trôi, thì hàng ngàn tấn cát tràn về vùi lấp nhiều nhà dân cùng hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Những thiệt hại này càng nghiêm trọng hơn khi người dân nơi đây đang chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân, đặc biệt là vụ hoa màu phục vụ tết Nguyên đán.

Chưa hết những bàng hoàng sau trận lũ cát vừa đi qua, bà Lê Thị Tâm- trú thôn Thạnh Đại cho biết: "Nước lũ vào nhà ban đêm nên gia đình tui cũng như nhiều bà con hàng xóm phải chạy lũ trong đêm. Nước dâng mỗi lúc một nhanh khiến gia đình vừa phải hối hả dọn dẹp vì sợ nước lên nhanh sẽ ướt đồ đạc trong nhà, vừa phải thức trắng đêm canh nước, không dám ngủ. Thế nhưng, điều bất ngờ hơn các đợt mưa lũ mọi năm là cát từ đâu trôi về lấp vào cả trong nhà. Khi nước rút đã để lại hàng chục mét khối cát trong nhà, cao gần 30cm. Toàn bộ cây cối trong vườn cũng bị cát vùi lấp".

Dọc theo đoạn đường qua hai thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ, dường như đâu đâu cũng gặp cát và cảnh người dân đang khẩn trương xúc cát ra khỏi nhà. Nhiều gia đình như gia đình bà Tâm đang tận dụng mọi vật dụng như xe bò kéo, quang gánh... để chở cát ra

Một số hộ dân thôn Thạnh Đại chở cát đi lấp vào những nơi bị sạt lở

khỏi nhà. Anh Hứa Đức Toàn, trú tại thôn Đại Mỹ cho biết: "Cát lấp từ ngoài vườn vào tận trong nhà, làm cho căn nhà mới dựng được ba năm bị vùi lấp gần 1m; nhiều nơi quanh chân tường nhà còn bị xói lở nghiêm trọng nên không an toàn, buộc cả nhà phải di tản xuống ở nhờ tạm nhà người quen thôn dưới". Tương tự tình cảnh gia đình anh Hứa Đức Toàn, hộ ông Nguyễn Danh (thôn Thạnh Đại), bà Nguyễn Thị Lạc, Trần Quang Điểm (thôn Đại Mỹ)... cũng bị cát lấp đầy nhà, phải dọn đi ở nhờ.

Tham gia cùng đoàn công tác khắc phục hậu quả lũ cát của Trường Quân sự Quân khu V, Thượng tá Lê Phước Thọ (Phòng Chính trị, Trường Quân sự Quân khu V) cho biết, nhận được tin báo lũ cát lấp nhiều nhà dân tại địa bàn các huyện: Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), Hòa Vang (TP Đà Nẵng), được sự chỉ đạo của lãnh đạo Quân khu V, Trường Quân sự Quân khu đã điều động gần 400 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn các xã Đại Hưng, Đại Hòa, Đại Cường (huyện Đại Lộc) và xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) để giúp dân khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ cát. Riêng tại hai thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ (xã Đại Hưng, tỉnh Quảng Nam), trong 4 ngày qua, 100 cán bộ, chiến đã giúp nhân dân di chuyển, dọn dẹp gần 1.000m 3 cát vùi lấp đoạn đường dài 350m liên thôn; bốn nhà dân bị cát vùi lấp nặng cũng đang được dọn sạch.

Theo ông Hà Xuân Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc), không chỉ đất vườn, nhà bị cát vùi lấp, nhiều người dân thôn Thạnh Đại và thôn Đại Mỹ với hàng chục héc-ta đất canh tác nông nghiệp cũng bị cát vùi lấp. Ông Minh cho rằng, ngoài hậu quả cát lấp vườn, ruộng, nhà của người dân như hiện nay, một lo lắng nữa của chính quyền địa phương là sắp tới, khi nắng hanh khô trở lại, nạn bụi cát chắc chắn sẽ làm cho người dân thêm nhiều khó khăn hơn nữa. Đặc biệt, khi vụ đông xuân xuống mùa, ruộng, vườn bị cát vùi lấp cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thời vụ. Ngoài ra, hiện nay cũng là thời điểm mà người dân bắt đầu trồng các loại hoa màu phục vụ dịp tết, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trên địa bàn.

Nhiều nhà dân bị cát lấp đang khẩn trương dọn dẹp

Cho biết về nguyên nhân gây nên lũ cát năm nay, theo nhiều người dân của thôn Thạnh Đại, một điều đáng chú ý là trong vườn đầy cát của một gia đình thuộc thôn Thạnh Đại xuất hiện một vài vệt màu đen mà theo họ là vệt đất bùn than trộn lẫn trong cát. Điều này có thể liên hệ thực tế tại địa phương, trong một thời gian dài, người dân hai thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng nề do việc khai thác than trên địa bàn gây ra. Người dân đã nhiều lần kiến nghị và nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc. Đến nay dù tình trạng khai thác than không còn nhưng hậu quả nó để lại còn ảnh hưởng dài lâu đến đời sống người dân trong khu vực là chuyện hiển nhiên.

Ông Hà Xuân Minh - Phó chủ tịch UBND xã Đại Hưng rất lo lắng bởi nguy cơ “sa mạc hóa” trong thời gian tới tại các địa bàn này là rất lớn. Trước mắt, ngoài việc vận động nhân dân và các lực lượng để tham gia khắc phục hậu quả cát lấp do lũ, địa phương phải tính toán lại công tác quy hoạch các khu vực dân cư, ruộng vườn, đặc biệt là hệ thống kênh mương thoát nước gắn với trồng rừng chắn cát. "Rừng có vị trí hết sức quan trọng để giữ đất, điều mà lâu nay chưa được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, dẫn đến nhiều khu vực rừng chắn cát bị khai thác bừa bãi, gây xói lở, thay đổi địa hình. Có thể đó cũng là lý do dẫn đến lũ cát năm nay"- ông Minh cho biết./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490624&co_id=30361