Quảng Nam: Khẩn cấp bảo vệ voọc chà vá chân xám trước nguy cơ tuyệt chủng

Đàn voọc chà vá chân xám gồm hàng chục cá thể sinh sống ở rừng núi xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhiều năm nay đang đứng trước nguy cơ suy giảm số lượng, môi trường sinh sống thu hẹp và bị giết hại. Để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này trước nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Quảng Nam đang hợp tác với GreenViet triển khai một dự án phục hồi sinh cảnh và thức ăn cho đàn voọc tại xã Tam Mỹ Tây.

Voọc chà vá chân xám quý hiếm tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành

Khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành là một trong số ít những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại của tỉnh Quảng Nam. Dù là rừng nguyên sinh nhưng không thiếu những dấu tích do can người can thiệp, nhiều cây bị đốn hạ, những khoảng đất không còn cây xanh, xen lẫn những rừng keo bát ngát là nhiều diện tích cây non vừa ươm trồng thay thế rừng nguyên sinh. Đây cũng là nơi sinh sống của đàn chà vá chân xám với số lượng lớn. Theo những người dân ở thôn Đồng Cổ, xã Tam Mỹ Tây, hơn 20 năm về trước, rừng nguyên sinh còn nhiều nên đàn voọc thường xuyên đến đây, với số lượng rất nhiều. Nhưng khoảng gần 10 năm trở lại đây số lượng Voọc chà vá chân xám suy giảm do diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp.

“Đàn voọc từng có cả trăm con nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 20 con. Chúng hiền lành, chỉ ăn ăn đọt cây lan, cây da. Chúng thường di chuyển trên các ngọn cây” - anh Nguyễn Quang (33 tuổi), ở thôn Đồng Cổ, xã Tam Mỹ Tây đang làm trang trại trồng keo ở dưới chân núi Hòn Dồ cho biết.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được Chi cục Kiểm lâm phát hiện theo dõi từ những năm 2000. Tuy nhiên, sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh do hoạt động của cộng đồng và nạn phá rừng. Qua khảo sát và đánh giá thì hiện nay đàn Voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 05 ha (khoảnh 6, 7 tiểu khu 617) và đang chịu áp lực tác động của người dân địa phương rất lớn (do sinh cảnh bị thu hẹp, xung quanh là rừng trồng của người dân), ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa (con non thường bị chết cóng).

Môi trường sống của Voọc bị thu hẹp do nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá để trồng keo

Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường bảo vệ loài Voọc chà vá chân xám quý hiếm này với nhiều giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, môi trường sống của động vật cũng như theo dõi, giám sát quần thể Voọc tại đây; Thành lập và củng cố tổ bảo vệ rừng tại khu vực Hòn Dồ và hệ sinh thái rừng hồ Giang Thơm nhằm ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đến các loài động vật hoang dã nói chung và loài Voọc chà vá chân xám nói riêng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có những chính sách để hỗ trợ cộng đồng trong khu vực nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào rừng.

Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt), UBND xã Tam Mỹ tiến hành kiểm tra, khảo sát để có những đánh giá, giải pháp bảo tồn và phát triển đàn voọc chà vá chân xám. Theo ông Nguyễn Hữu Vỹ- Giám đốc Green Việt, đơn vị tư vấn dự án bảo tồn voọc chân xám cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao nếu như có những hướng đi đúng.

“Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để có những đánh giá chính xác về tình trạng, số lượng loài, diện tích sinh sống của voọc chà vá chân xám. Quan điểm của Green Việt là bảo vệ voọc tại chỗ bằng cách trồng rừng trở lại, ưu tiên những loại cây trồng là thức ăn của voọc. Với đặc thù của Tam Mỹ, có thể phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các tour ngắm voọc, tắm suối như ở bán đảo Sơn Trà nhằm nâng cao ý thức bảo vệ đàn Voọc và tạo sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng”- ông Vỹ đề xuất.

Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám quý hiếm

Ông Từ Văn Khánh- Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam chia sẻ, quan điểm đầu tiên của tỉnh là di dời đàn Voọc bởi sự cô lập và rừng nghèo ảnh hưởng đến sự sinh tồn của đàn. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều đơn vị, tỉnh quyết định bảo tồn tại chỗ và đề ra nhiều giải pháp. Trước mắt, tỉnh vận động người dân địa phương có diện tích trồng keo tại khu vực này đồng ý phương án thu hồi, đền bù để mở rộng khu vực sinh cảnh bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám. Giai đoạn đầu, theo dự kiến sẽ triển khai từ mở rộng 10 hecta rừng nghèo tăng lên 30 hecta nhằm đảm bảo cho đàn voọc hiện tại có điều kiện sống tốt hơn, có thể sinh sản và tăng số lượng đàn lên, tiếp theo sẽ nâng lên thành 80 hecta, kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà.

“Việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng gần như toàn bộ các hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ họp bàn nhiều lần với người dân để tìm phương án tốt nhất, không để thiệt về phía bà con. Tôi tin với mục đích trả đất để giữ bầy Voọc cùng với chính sách hỗ trợ sinh kế bền vững, người dân sẽ đồng thuận”- ông Khánh chia sẻ.

Theo thống kê được công bố của Tổ chức động thực vật hoang dã quốc tế, trên thế giới, loài Voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là một trong “25 Loài Linh trưởng bị đe dọa nhất Thế giới”. Do vậy, việc bảo tồn và phát triển voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đang hết sức khẩn cấp.

Lan Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/quang-nam-khan-cap-bao-ve-vooc-cha-va-chan-xam-truoc-nguy-co-tuyet-chung-1252806.html