Quảng Nam: Khan hiếm cát xây dựng, có hay không việc làm giá?

Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, cát xây dựng bỗng khan hiếm một cách bất thường do nhiều mỏ dừng hoạt động. Nguồn cung khan hiếm, giá cát được đẩy lên mức cao chưa từng thấy.

Những ngày này, đi dọc những con đường ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhiều người không còn thấy cảnh xe tải chở cát nối nhau chạy ầm ầm mang theo bụi mù mịt, nước chảy tràn mặt đường. Đường dẫn đến các mỏ và bãi tập kết cát ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên thưa vắng phương tiện vào ra.

Đứng trên cầu Giao Thủy, phía xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhìn xuống sông Thu Bồn chỉ còn thấy vài tàu hút cát, xà lan không người lái đang neo đậu tạm bợ. Trên bờ nhiều xe múc nằm trơ trọi giữa những bãi tập kết cát không một bóng người. Mới hơn 1 tháng trước, 2 bến thủy nội địa dưới chân cầu Giao Thủy từng là “công trường khai thác khổng lồ”, cung cấp cát xây dựng cho tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và cả tỉnh Thừa Thiên Huế, giờ chỉ còn vài đụn cát nhỏ nhoi.

Tỉnh Quảng Nam hiện còn 13 mỏ cát có giấy phép khai thác.

Tỉnh Quảng Nam hiện còn 13 mỏ cát có giấy phép khai thác.

Khi còn hoạt động, khu vực này như một đại công trường với hàng chục phương tiện khai thác, vận chuyển cát.

Trong lán trại nhỏ nằm trên bãi cát dưới chân cầu Giao Thủy, một mình ông Nguyễn Viết Xân ở thôn Phú Phước, xã Đại An, huyện Đại Lộc ở lại trông coi máy móc.Từ ngày 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần, việc khai thác, vận chuyển cát tại đây tạm ngừng, gần 10 lao động tại bãi tạm nghỉ việc.

“Giờ khung cảnh vắng lại, đìu hiu, nói thật là giờ không có cát thì người dân ở đây không có việc làm. Nhiều người làm nhà đến đây hỏi thăm cát mà không bán, có nhiều nhà đang làm dở phải dừng vì có cát đâu mà làm. Cát bữa nay nghe nói lên đến 500 ngàn đồng/m3 thì đắt như vàng mà cũng không có để mua.”- Ông Xân bảo.

1 tháng trước nơi đây là “công trường khai thác khổng lồ”, cung cấp cát xây dựng cho tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và cả tỉnh Thừa Thiên Huế

Một tháng qua, 4 mỏ cát (đã được cấp phép khai thác) có trữ lượng lớn tại tỉnh Quảng Nam, trong đó có 3 mỏ tại huyện Đại Lộc, 1 mỏ tại huyện Duy Xuyên dừng hoạt động khiến nguồn cát tại tỉnh Quảng Nam khan hiếm.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng và người xây nhà ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc đứng ngồi không yên vì không có cát xây dựng, giá cát bị “thổi” lên 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/m3, tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết. Nhà nằm sát bên mỏ cát tại thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên nhưng anh Phạm Đức Phúc sốt ruột vì không tìm được nguồn cung ứng cát trong khi ngày khởi công xây nhà đã rất cận kề. Anh Phúc than thở: “Tôi đã chọn ngày khai móng làm nhà, còn 1 tháng nữa là làm nhà mà chừ đi mua vật liệu cát họ nói bán 500 ngàn/m3. Kinh, chưa bao giờ thấy giá cát tăng cao như vậy. Tình hình này chắc phải dời thời gian làm nhà lại, vì đến các đại lý cát ở đây để đặt cọc trước, tháng sau làm nhà mà không ai dám nhận cọc.”

Nhiều xe múc dừng hoạt động, nằm trơ trọi tại bến bãi

Giá cát đã “thổi” lên gấp đôi so với thời điểm trước Tết

Hiện chưa có số liệu thống kê lượng cát thiếu hụt cho xây dựng trên thị trường, nhưng hầu hết các đại lý cát phía Bắc tỉnh Quảng Nam đều than thở vì thiếu hàng, giá lại cao ngất ngưởng. Một đại lý cát ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam gần 10 năm kinh doanh vật liệu xây dựng, chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Trước Tết, đại lý vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên sau khi bán mở hàng đầu năm lại phải đóng cửa vì đại lý chỉ có 1 mỏ cung ứng cát tại huyện Đại Lộc nhưng đã dừng hoạt động 1 tháng nay.

“Giá tăng lên do không có nguồn cát gây khan hiếm nên những xe vận tải phải đến những tỉnh khác để lấy cát về, thêm giá vận chuyển nên đẩy giá cao thêm. Phải chờ mỏ cát hoạt động lại thì đại lý mới có thể mở cửa, thời điểm này không thể buôn bán được vì tiền đâu trả lương cho công nhân. Lúc trước đại lý có 17 công nhân, bây giờ chỉ còn 3 người làm việc để duy trì, cầm cự còn lo tiền lãi vay ngân hàng nữa.”- Chủ đại lý cát này cho biết.

Chưa xác định được bao nhiêu dự án, công trình xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Nam phải dừng thi công vì khan hiếm cát xây dựng, nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh này đang điêu đứng khi kế hoạch xây dựng bị ngưng trệ.

Nhiều nhà dân đang xây dựng dang dở cũng phải dừng thi công do thiếu cát

Nhiều dự án có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng nhưng không thể tìm nổi nguồn cung ứng 3 m3 cát/ ngày khiến hàng trăm nhân công, máy móc thiết bị không thể hoạt động. Ông Đỗ Xuân Tân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Huy Khoa, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, dù chủ đầu tư liên tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu gần như bế tắc do không có cát xây dựng. Hiện nay, giá cát vận chuyển về tới thành phố Tam Kỳ hoặc huyện Núi Thành có giá 400 ngàn đồng/m3, cao hơn 30% so với dự toán theo đơn giá dự toán nhà nước ban hành. Giá cát tăng dẫn đến giá vật liệu liên quan đến cát tăng theo như: Bê tông tươi, ống bi, cọc… khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

“Một số dự án phải tạm dừng hoạt động một thời gian ngắn. Nếu tình trạng này kéo dài thì các nhà thầu sẽ gặp khó khăn vì vượt dự toán, quá trình vận hành dự án không đạt khối lượng đề ra, kéo theo ảnh hưởng giải ngân đầu tư công, vỡ tiến độ.” - ông Tân cho hay.

Có hay không tình trạng găm hàng, thổi giá?

Nhiều doanh nghiệp xây dựng và người dân tại tỉnh Quảng Nam boăn khoăn, vì sao 4 mỏ cát có trữ lượng lớn tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, chiếm thị phần rất lớn trên địa bàn lại dừng hoạt động? Có hay không tình trạng găm hàng để “thổi giá”? Trả lời phóng viên VOV, đại diện một doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ cát tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên cho hay, sau khi Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra quá trình hoạt động khai thác khoáng sản tại đơn vị nên doanh nghiệp này chủ động dừng mọi hoạt động để kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, thủ tục.

4 mỏ cát có trữ lượng lớn tại huyện Đại Lộc và Duy Xuyên dừng hoạt động.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, trước Tết Nguyên Đán vừa qua, khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đại Lộc đã phối hợp cung cấp thông tin về các dự án liên quan. Các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn nếu đủ các điều kiện, thủ tục thì sẽ trở lại hoạt động bình thường.

“Ít ngày nữa thôi các doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động, trước khi trở lại khai thác, huyện Đại Lộc sẽ gửi công văn cho các ngành, các xã và doanh nghiệp để công khai giá, phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thổi giá cao. Chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh Quảng Nam tiến hành rà soát quy hoạch bổ sung, đưa các mỏ cát tại các huyện khác vào khai thác, đấu giá để tránh tình trạng mỏ cát tập trung tại một địa phương để lỡ xảy ra việc dừng hoạt động sẽ gây tắc nghẽn việc cung cấp vật liệu.”- Ông Lê Đỗ Tuấn Khương khẳng định

Giá cát liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi khi nhiều mỏ cát có trữ lượng lớn tại tỉnh Quảng Nam lại được cấp phép cho một vài doanh nghiệp dẫn đến tình trạng thao túng, lũng đoạn thị trường? Công tác quản lý nhà nước phải chăng còn nhiều bất cập?

Quảng Nam sẽ triển khai những biện pháp cứng rắn để thiết lập lại trật tự việc khai thác khoáng sản.

Trước thực trạng khan hiếm cát xây dựng trên địa bàn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát và đề xuất giải pháp ổn định tình hình. Chiều ngày 20/2, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã có văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh này việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông. Theo báo cáo của Sở này, số giấy phép khai thác cát giảm mỗi năm, tỉnh Quảng Nam hiện còn 13 mỏ cát có giấy phép khai thác; cần khẩn trương thực hiện các hồ sơ, thủ tục sớm tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông tại những khu vực đã được phê duyệt quy hoạch và đảm bảo điều kiện để cấp giấy phép thăm dò.Tỉnh sẽ có những biện pháp cứng rắn để thiết lập lại trật tự việc khai thác khoáng sản tại địa phương.

“Yêu cầu các chủ mỏ cát hiện nay phải thực hiện việc khai thác và bán theo trữ lượng cho phép quy định rõ trong giấy phép khai thác. Cấm tình trạng không khai thác để tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo nhằm đẩy giá. Sẽ đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.”- ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định./.

Long Phi/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-nam-khan-hiem-cat-xay-dung-co-hay-khong-viec-lam-gia-post1003012.vov