Quảng Nam: Lập 'đặc khu' bảo vệ voi rừng

Sáng 7-9, tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Đây là một quyết định quan trọng để cứu lấy những cá thể voi còn lại ở H. Nông Sơn và nơi đây trở thành khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên của Việt Nam. 

Sáng 7-9, tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Đây là một quyết định quan trọng để cứu lấy những cá thể voi còn lại ở H. Nông Sơn và nơi đây trở thành khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên của Việt Nam.

Hình ảnh đàn voi rừng xuất hiện ở vùng đồi núi H. Nông Sơn. 

Có mặt từ sớm để tham dự lễ công bố thành lập khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh voi, bà Tạ Thị Bé, trưởng thôn Cấm La (xã Quế Lâm, H. Nông Sơn) không giấu được niềm vui. Bởi gần nửa đời người gắn bó với đồi núi ở thôn Cấm La, nơi voi thường xuyên xuất hiện, bà Bé hiểu hơn ai hết về những xung đột và nguy hiểm khi trở thành "hàng xóm" bất đắc dĩ của voi. "Mỗi lần đàn voi xuống gần làng là dân chúng tôi ai cũng sợ. Cách đây chưa lâu, voi về giết chết một con trâu, 3 ngày trước voi cũng rượt đuổi những người dân đi rừng hái rau, nhặt củi và phá cây cao su. Hiện bây giờ đàn voi cũng quanh quẩn ở các đồi núi chung quanh làng, số lượng khoảng 7 con, chúng tôi đi chăn trâu vẫn thường xuyên nhìn thấy", bà Bé kể.

Xung đột giữa người và voi cứ như thế tiếp diễn qua nhiều năm, mỗi lần đàn voi xuống gần khu dân cư, là người dân ở các xã Quế Lâm, Phước Ninh lại thấp thỏm âu lo, phải chuẩn bị nhiều vật dụng xua đuổi voi. Ông Tào Viết Son (trú thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh) kể thêm, mấy chục năm trước khu vực này có rất nhiều voi, tuy nhiên việc xung đột với con người rất hiếm xảy ra, vì dân cư thưa thớt và rừng còn nhiều. "Từ ngày rừng bị thu hẹp, nhất là tình trạng săn voi lấy ngà diễn ra thì đàn voi trở nên hung dữ. Vào ban đêm, nếu người nào vào rừng mang theo đèn pin mà gặp voi thì sẽ bị tấn công. Bây giờ tỉnh thành lập khu bảo tồn này, người dân chúng tôi rất vui mừng, vừa bảo vệ được voi rừng, mà người dân chúng tôi cũng không còn lo sợ bị voi tấn công nữa", ông Son tâm sự.

Trước thực trạng voi thường xuyên xuất hiện ở gần khu dân cư trên địa bàn H. Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam có diện tích gần 19.000 ha nằm trên 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh thuộc H. Nông Sơn, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 13 ngàn ha. Ngoài ra, vùng đệm khu bảo tồn rộng 25 ngàn ha, thuộc 9 xã, 5 huyện. Đây là khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên của Việt Nam được thành lập.

Qua điều tra, khảo sát của Tổng cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm, kết quả ghi nhận quần thể voi ở đây có ít nhất 7 cá thể; phân tích các hình ảnh cho thấy quần thể voi này có cấu trúc đàn khá hoàn chỉnh và hiện đang sinh trưởng tốt. "Sự ra đời của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều loài động vật ở Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng đến nơi sống của các loài động vật. Khu bảo tồn ra đời sẽ là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn quần thể voi còn lại tại Quảng Nam đồng thời còn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy điện Khe Diên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tại H. Nông Sơn mà còn cho các vùng lân cận", ông Tuấn nói.

Ông Lê Trí Thanh và ông Ted Osius nghe các em học sinh nói về loài voi.

Kinh phí thực hiện đề án xác lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi đến năm 2030 là 128 tỷ đồng, trong đó có sự hỗ trợ của Cơ phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Có mặt trong buổi lễ, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam cải thiện các cơ hội sinh kế cho các cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh khu bảo tồn, thực hiện giám sát đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức về bảo tồn cho người dân địa phương. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ. Dự án hợp tác với hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo tồn rừng và đa dạng sinh học. Nguồn vốn thực hiện dự kiến khoảng 24 triệu USD. "Chúng tôi tự hào hợp tác với tỉnh Quảng Nam bảo vệ một môi trường sống rất quan trọng cho loài voi Châu Á đang nguy cấp, đồng thời tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương", Đại sứ Osius khẳng định.

Còn ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì cho biết việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh là một trong những cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn động vật quý hiếm. "Trong việc phát triển và bảo vệ đàn voi của Việt Nam, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương là vô cùng quan trọng. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đang được tiếp nhận dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, đây là việc làm rất có ý nghĩa, nhằm góp phần phát triển sinh kế cho người dân các huyện miền núi của 2 địa phương. Tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để bảo tồn loài voi", ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

HOÀNG ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_171872_quang-nam-lap-dac-khu-bao-ve-voi-rung.aspx