Quảng Nam: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh đưa lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương vào giảng dạy trong các chương trình trung cấp, sơ cấp chính trị và hệ thống giáo dục phổ thông.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 185-KH/TU, yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc Chỉ thị 20-CT/TW trên cơ sở có kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa IX; chủ động, vận dụng sáng tạo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nêu rõ: Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng của tỉnh phải đảm bảo tính chính xác, chân thực, nhất quán giữa tính Đảng và tính khoa học; tuân thủ nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng phải đổi mới về phương pháp, cách thức thực hiện, phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị tư tưởng của các cấp ủy đảng và các tổ chức đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể, trọng tâm là:

Sưu tầm, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm về những sự kiện lịch sử, những tấm gương chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của các địa phương, đơn vị nhằm tôn vinh tinh thần kiên trung bất khuất, truyền thống cách mạng của quê hương, đồng thời làm cơ sở cho công tác giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng;

Nghiên cứu các chuyên đề về lịch sử quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với các tỉnh kết nghĩa nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đóng góp của quân tình nguyện và chuyên gia tỉnh Quảng Nam đối với cách mạng Lào, Cam-phu-chia;

Xây dựng kế hoạch số hóa tư liệu liên quan đến lịch sử đảng bộ các cấp; số hóa các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể đã xuất bản; đẩy mạnh việc quảng bá, phát huy giá trị các ấn phẩm, công trình lịch sử, phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng;

Đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống ngành, địa phương giai đoạn sau 1975. Chỉnh sửa, bổ sung và tái bản các công trình lịch sử giai đoạn 1930-1975;

Thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam còn nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng và văn hóa địa phương thông qua những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh đưa lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương vào giảng dạy trong các chương trình trung cấp, sơ cấp chính trị và hệ thống giáo dục phổ thông để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Nam.

Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn lịch sử Đảng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu các huyện, thị, thành ủy quan tâm tuyển dụng, bố trí cán bộ đúng chuyên ngành làm công tác lịch sử Đảng tại địa phương; quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được học tập, nâng cao trình độ ở cấp học cao hơn.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên đề và cập nhập những kết quả nghiên cứu mới cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân các cấp cân đối ngân sách, hàng năm bố trí ngân sách đảm bảo đủ kinh phí cho công tác lịch sử Đảng. Đảm bảo kinh phí phục vụ cho công các nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng./.

Lê Năng Đông
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/quang-nam-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-dang-115926