Quảng Nam: Nghịch lý thừa biên chế thiếu giáo viên

Theo rà soát của UBND tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm học này, tỉnh còn thiếu 1.240 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong năm học mới 2018 - 2019. Điều đáng nói là năm 2017, UBND tỉnh tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục. Qua đó, đã bổ sung cho các địa phương hơn 1.300 GV các bậc học mầm non, tiểu học và THCS nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu. Vậy đâu là câu trả lời cho vấn đề trên?

Nhiều giáo viên dạy miền núi xin chuyển về đồng bằng khiến tình hình thiếu giáo viên càng thêm căng thẳng.

Nhiều giáo viên dạy miền núi xin chuyển về đồng bằng khiến tình hình thiếu giáo viên càng thêm căng thẳng.

Ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên cho biết: "Hiện nay huyện đang xây dựng đề án để kỳ thi viên chức sắp tới sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu. Theo chủ trương của tỉnh, học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển cạnh tranh để tuyển dụng giáo viên (GV) các cấp học đối với số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết, căn cứ trên nhu cầu của ngành. Nguyên nhân của tình trạng này do số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi tăng, một số giáo viên chuyển đơn vị công tác, số lượng GV dạy hợp đồng sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục không đậu đã xin nghỉ việc...".

Ông Phan Văn Tuyển - Trưởng phòng GD-ĐT H. Thăng Bình cho hay, địa phương đang thiếu 121 GV mầm non và 43 GV tiểu học. Lý do là vì thời gian qua số GV nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khá nhiều. Trong khi đó, thi viên chức 2 năm vừa rồi không tuyển đủ chỉ tiêu. Hơn nữa, huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ cao, nhất là độ tuổi 3 - 5 khiến cho đội ngũ GV mầm non không đủ để đáp ứng.

Việc thiếu GV ở khu vực miền núi càng trở nên khó khăn hơn. Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My cho biết, việc dạy mỗi ngày 2 buổi ở bậc tiểu học yêu cầu phải tương đương 1,5 GV/lớp, nhưng Nam Trà My chỉ có 1,2 GV/lớp nên mới tổ chức dạy cho 60% số học sinh. "Năm học này đã thiếu GV trong khi nhiều GV dạy lâu năm xin chuyển công tác xuống miền xuôi, tình thế bắt buộc chúng tôi phải giảm buổi học". Không chỉ Nam Trà My cắt giảm buổi học mà rất nhiều trường trên địa bàn phải dự kiến giảm 30 - 40% số lớp học 2 buổi/ngày. Cùng với đó, học sinh bán trú cũng sẽ phải giảm khi GV không đảm bảo trên tổng số học sinh toàn trường.

Mặc dù đã tổ chức thi tuyển công khai nhưng phần lớn GV đều muốn "né" vì sợ thi không đậu dẫn đến cắt hợp đồng. "Từ năm 2009 đến nay, Sở GD-ĐT đã tổ chức 4 đợt tuyển dụng vào các năm 2009, 2010, 2011 và 2017 song số GV có thâm niên hợp đồng giảng dạy theo tiết vẫn không đủ khả năng cạnh tranh để vào viên chức giáo dục. Một số GV đã qua 3 lần tham gia tuyển dụng nhưng không trúng tuyển. Đối với những trường hợp này chúng tôi lại phải cho hợp đồng giảng dạy theo tiết để thể hiện tính nhân văn của ngành. Có nhiều trường hợp tới kỳ thi nhưng viện lý do để tiếp tục được hợp đồng", một lãnh đạo phòng GD-ĐT chia sẻ.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT thì tỉnh tổ chức thi tuyển dựa trên nhu cầu của các địa phương về chỉ tiêu, cấp học, môn học. So với chỉ tiêu các địa phương đề xuất của đợt thi tuyển tổ chức cuối năm 2017, kết quả trúng tuyển gần 100%. Điều này cho thấy, việc còn nhiều chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết là do các địa phương không đăng ký thi. Hiện nay, Quảng Nam đang khảo sát tổng quan số lượng GV sẽ thiếu trong thực tế để có phương án thi tuyển GV. Để giải quyết bài toán thiếu GV, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh cơ chế đặc thù theo hướng ký hợp đồng ngắn hạn GV giảng dạy. Tuy nhiên số GV ký hợp đồng này nếu có nguyện vọng vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào thời điểm thích hợp.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_196296_quang-nam-nghich-ly-thua-bien-che-thieu-giao-vien.aspx