Quảng Nam: Sạt lở ven sông, ven biển tiếp tục đe dọa cuộc sống người dân

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia, bờ biển Cửa Đại tiếp tục đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân ven biển, ven sông. UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố tình huống khẩn cấp, vừa tập trung giải pháp trước mắt, vừa xây dựng phương án lâu dài để khắc phục sạt lở ven sông, ven biển.

Liên tiếp các đợt mưa lũ vừa qua, bờ sông Quảng Huế, một nhánh sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi khoảng 3ha đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nơi ở của hàng chục hộ dân. UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế, đồng thời huy động lực lượng khắc phục sạt lở bờ sông này. Trung tá Nguyễn Văn Thành, Phó Chỉ huy Trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã bố trí 200 chiến sĩ cùng người dân vận chuyển các bao tải cát làm kè tạm để giữ mái chống xói lở.

Gần 3 ha đất sản xuất tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc bị nước lũ cuốn trôi.

Gần 3 ha đất sản xuất tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc bị nước lũ cuốn trôi.

“Phương pháp là chúng tôi tổ chức sử dụng bao cát kết hợp cọc tre chằng chống và đóng để chống xói lở tạm thời trong mùa mưa lũ năm nay", Trung tá Nguyễn Văn Thành cho hay.

Tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra tại bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, triều cường dâng cao, chỉ sau một đêm, hàng loạt nhà cửa và hàng quán tại khu vực phường Cẩm An, thành phố Hội An bị sóng đánh tan hoang. Bờ biển xâm thực sâu vào đất liền hơn 20m. Ông Đinh Xá, một người sống lâu năm tại phường Cẩm An, thành phố Hội An cho biết, hình ảnh bờ biển Cửa Đại xinh đẹp với dãy nhà hàng luôn đông khách du lịch giờ trở nên tan hoang, đìu hiu, nhà cửa đổ sập, nằm la liệt trên bãi biển.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế.

“Nhiều năm trước cũng có sạt lở mà lở ít chứ không có lở như năm nay. Như năm ngoái thì cũng sạt lở khoảng đôi ba mét, còn năm nay ảnh hưởng của bão số 6 gây ra tình trạng sạt lở khoảng 20m, chiều dài thì khoảng 200m”, ông Đinh Xá chia sẻ.

UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các hộ dân tại khu vực sạt lở nặng tạm thời di chuyển đến nơi an toàn. Người dân địa phương cùng các chủ nhà hàng tập trung gia cố tạm thời khu vực bờ biển sạt lở bằng cọc tre và bao tải cát. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng của sóng biển trong mùa mưa bão này.

Các lực lượng được huy động để khắc phục sạt lở bờ sông Quảng Huế

“Hiện nay, trong khả năng của mình thì thành phố cũng đã đưa ra giải pháp để xử lý khẩn cấp nhưng phải chờ kết thúc đợt thời tiết nguy hiểm này thì mới có thể chuẩn bị và triển khai được bằng giải pháp kè mỏ hàn để ngăn chặn tình trạng xâm thực”, ông Nguyễn Thế Hùng cho hay.

Năm 2020, tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng dài hơn 2km tại biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Các đợt mưa bão vừa qua, khu vực có đê ngầm ít bị sạt lở và giữ được bãi cát. Đây là tín hiệu tốt để các ngành chức năng nghiên cứu và tiếp tục đầu tư nối dài tuyến đê ngầm này để bảo vệ bờ biển Cửa Đại. Tỉnh Quảng Nam đã lập xong dự án và đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vay hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng đê ngầm 4,5km, tiến hành bơm khoảng 2 triệu m3 cát để tạo bãi.

Sử dụng bao cát kết hợp cọc tre làm kè tạm chống xói lở bờ sông Quảng Huế.

Hàng loạt nhà cửa và hàng quán ven biển Cửa Đại bị sóng đánh tan hoang, nằm la liệt trên bãi biển.

Người dân tập trung gia cố tạm thời khu vực bờ biển Cửa Đại bị sạt lở bằng cọc tre và bao tải cát.

Tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng dài hơn 2km tại biển Cửa Đại. Các đợt mưa bão vừa qua, khu vực có đê ngầm ít bị sạt lở và giữ được bãi cát.

Trong chuyến khảo sát tại bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An mới đây, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai đánh giá: “Đây là công trình có tác động đến khu vực bờ biển rất lớn, chúng ta phải theo dõi quan trắc, diễn biến của nó để có được giải pháp đồng bộ khi mà công trình đưa vào sử dụng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất. Qua đó, đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai ở những khu vực có điều kiện tương tự, hiện nay đang bị xói mòn nghiêm trọng do tác động của biển"./.

Long Phi/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-nam-sat-lo-ven-song-ven-bien-tiep-tuc-de-doa-cuoc-song-nguoi-dan-post980146.vov