Quảng Nam: Thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam đã chuyển danh sách đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài sang công an tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp thu hồi nợ đọng.

Nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Theo cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định, quyền lợi của người lao động và đối tượng thụ hưởng được đảm bảo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Quảng Nam quyết liệt thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Quảng Nam quyết liệt thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; để nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn tỉnh là 269,486 tỷ đồng. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của khối doanh nghiệp hơn 220,431 tỷ đồng; nợ của các đơn vị hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn… hơn 8,552 tỷ đồng; nợ tiền bảo hiểm y tế của các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hơn 40,503 tỷ đồng.

Nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ hơn 129,7 tỷ đồng (1.199 đơn vị), gồm nợ khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền nợ hơn 38,5 tỷ đồng. Tổng số nợ của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động có số tiền nợ từ 100 triệu đồng, hoặc số tháng nợ từ 12 tháng là 133,771 tỷ đồng.

Chuyển danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài sang công an

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ, nhưng số tiền nợ của một số doanh nghiệp vẫn còn khá cao. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp làm việc với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.

10 đơn vị trong danh sách gồm: Công ty CP Mai Đoàn (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) nợ hơn 1 tỷ đồng của 165 lao động; Victoria Hội An Resort và Spa (phường Cửa Đại, TP. Hội An) nợ hơn 726 triệu đồng của 111 lao động; Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên, TP. Tam Kỳ) nợ hơn 467 triệu đồng của 136 lao động; Công ty CP xây dựng Toàn Tiến (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) nợ hơn 409 triệu đồng; Chi nhánh Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam tại Tam Kỳ - Xí nghiệp cấp thoát nước Tam Kỳ nợ hơn 296 triệu đồng; Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) nợ hơn 167 triệu đồng; Công ty CP chiếu sáng và xây dựng đô thị Quảng Nam (TP. Tam Kỳ) nợ hơn 154 triệu đồng; (Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) nợ hơn 1,2 tỷ đồng của 361 lao động; Công ty CP Dược Quảng Nam (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) nợ hơn 307 triệu đồng; Công ty CP Tư vấn xây dựng 138 (TP. Tam Kỳ) nợ hơn 237 triệu đồng.

Được biết, sau khi Bảo hiểm Xã hội tỉnh chuyển danh sách sang công an, một doanh nghiệp tại TP. Tam Kỳ đã chuyển trả số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam đánh giá đây là động thái tích cực của doanh nghiệp trong giải quyết vấn đề nợ. Trong bối cảnh nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn cao thì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng sẽ được tăng cường nhằm thu hồi nợ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam, trong 11 tháng vừa qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, không có việc làm nên không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động theo quy định, nhưng vẫn không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (10,5% do người lao động đóng). Một số trường hợp chủ sử dụng lao động cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc đóng không đúng thời hạn quy định, cố tình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để tạo nguồn vốn phục vụ mục đích khác của đơn vị. Công tác phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc xử lý các đơn vị chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa được thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời; chưa có biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các trường hợp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài…

SƠN PHONG

Nguồn VTC: https://vtc.vn/quang-nam-thu-hoi-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-ar724229.html