Quảng Nam: Vàng tặc ẩn náu trong lòng mỏ vàng

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về tình hình vàng tặc ở các hầm lò mỏ vàng Bồng Miêu, ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho biết: "Hiện nay dân tứ xứ đổ về mỏ vàng Bồng Miêu rất đông, họ bám trụ trong mỏ vàng, ăn ở, khai thác, dùng xe vận chuyển và tuyển quặng luôn trong các hầm lò. Việc đẩy đuổi, truy quét vàng tặc được diễn ra liên tục nhưng vẫn không cách gì ngăn chặn tình trạng này được”.

Một phu vàng đang đi vào hầm lò mỏ vàng Bồng Miêu

Không dễ truy đuổi

Để tìm hiểu về tình hình khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu, mới đây phóng viên Đại Đoàn Kết đã thuê người dẫn vào hầm lò, đến tận nơi những vàng tặc đang khai thác. Chúng tôi đã chứng kiến những hầm lò có từ thời người Pháp khai thác, cộng với Công ty khai thác vàng Bồng Miêu khai thác thời gian qua, hiện đã có hàng trăm đường hầm, ngóc ngách lên xuống, địa hình phức tạp, hiểm nguy. Còn hiện tại, trong các đường hầm, hàng trăm vàng tặc đã ẩn nấu, ăn ở khi khai thác quặng. Đây cũng là khu vực liên tục xảy ra sập hầm.

Tại một ngách hầm, chúng tôi gặp một số người cõng quặng đang nghỉ để chuẩn bị ra khỏi hầm lò. Một người tên Quang, quê ở Tam Đại, Phú Ninh, khi được hỏi vào đây lâu chưa, anh không ngần ngại cho biết: "Tụi tôi ở trong này 2 tuần rồi. Không chỉ tôi mà rất đông người, bất kể ban ngày lẫn đêm, để tiện cho việc khai thác vàng chúng tôi có thể ăn ở cả tháng trời mới ra ngoài”. Cho dù là ban ngày nhưng đã đặt chân vào trong này thì bóng tối bao phủ, bước chân đi chỉ dựa vào ánh đèn, đi không quen ngã lên, ngã xuống, va vào thành hầm là chuyện thường. Có nhiều chỗ xa thăm thẳm, ánh đèn không rọi đến được. Từ ngoài miệng hầm đi vào đến khu thượng L62 mất khoảng 30 phút. Đây là nơi hiện đang tập trung số vàng tặc khai thác quặng nhiều nhất. Đó đây thi thoảng thấy bóng người thoắt ẩn, thoắt hiện. Tiếng đục đẽo và cả tiếng gọi nhau trong bóng đêm bao phủ. Quả thật nếu truy đuổi hay để bắt vàng tặc trong các ngách hầm này là việc không thể, bởi vì hàng trăm ngóc ngách hang hầm, bóng tối bao trùm mà không dễ gì những người truy quét biết hết được.

Khi được hỏi về thu nhập từ việc khai thác quặng vàng, anh Nguyễn Văn T. (ở xã Tam Dân) là một người khai thác quặng cho biết: "Mỗi người, một đêm, một ngày khai thác được khoảng 1 tạ quặng. Giá bán ngay tại ngoài hầm lò là 1 tạ quặng được 2 triệu đồng. Nếu đã tìm ra sẵn vỉa thì có thể khai thác vài tạ/ngày. Cũng có người chở về về xay quặng tuyển vàng thì thu nhập khá hơn!”. Nhiều vàng tặc cho biết: Khi bị chốt chặn các ngõ đường phía dưới vùng đồng bằng lên núi, họ được tiếp tế lương thực, thực phẩm đến tận hầm vào ban đêm. Không những gạo, mắm muối mà còn có cả bia, rượu. Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cũng xác nhận vấn đề này.

Cần thay đổi cách quản lý

"Đường hầm nhiều nơi như cái bẫy chết người, sâu hun hút, ngập nước, ngạt khí không biết lúc nào xảy ra. Đi truy quét, thấy đó mà không dám đuổi. Nếu chui xuống các hầm lò ngạt khí hay chết nước, sập hầm biết làm sao. Có tên còn liều mạng tuyên bố, thằng mô chết thì thôi, thằng mô sống thì làm. Chỉ có 4 ngày qua mà lực lượng chức năng ở đây bắt đến trên 100 xe dùng để làm phương tiện khai thác vàng, thế mà họ đâu có ngán. Có vàng tặc đem cả vợ con đến đây. Có người mới sinh con được vài tháng. Nguy hiểm nhất là do tin đồn, nơi đây Công ty khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa nên vàng tặc tứ xứ đổ về ngày một đông. Thật sự ngăn chặn triệt để vàng tặc ở địa phương này là việc làm nan giải” - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh xác nhận.

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Văn Quang - Đồn trưởng Đồn Công an Tam Lãnh: "Lực lượng công an đồn cùng với lực lượng chức năng của xã Tam Lãnh vừa tổ chức hai đợt đi truy quét, đẩy đuổi vàng trái phép và chốt chặn các đường lên núi, đốt và tiêu hủy hàng chục máy móc, lán trại. Hiện lực lượng chức năng đang tăng cường để chốt chặn các ngõ ngách kiểm tra, kiểm soát việc người dân lên núi để khai thác vàng”.

Thế nhưng không dễ gì ngăn chặn nổi vàng tặc tiến về các khu mỏ này, bởi đây là khu vực rộng lớn. Có mặt tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, phóng viên chứng kiến cảnh hàng trăm người ngược xuôi ra vào các khu vực hầm lò. Chính quyền cũng thừa nhận: Liên tục thời gian sau tết Giáp Ngọ đến nay, việc khai thác vàng trái phép diễn ra khá rầm rộ, mới đây nhất ngày 13-2, người dân cũng đã phát hiện chết người tại mỏ vàng này. Ngoài một số người địa phương ra, người ở các tỉnh phía Bắc đổ xô về đây để lén lút lên núi khai thác quặng.

Một cán bộ địa phương nói: "Chỉ có thay đổi cách quản lý như giao cho địa phương thành lập một HTX, từ đó thành lập tổ đội khai thác quặng rồi mời bà con tham gia, ai muốn làm thì phải trải qua một khóa học khai thác quặng, rồi cùng làm cùng hưởng lợi nhuận, chứ như thế này khó quá. Vì dân thiếu đất sản xuất thế là họ đi khai thác quặng trái phép, kéo theo dân tứ xứ về đây gây nên mất an ninh trật tự mà quá nhiều hiểm nguy trong hầm lò chờ họ!”

Quả thật, có quá nhiều nguy hiểm ở tại khu vực mỏ này, như nhiều nơi vàng tặc đã đánh sập các chân trụ chống đỡ bằng quặng mà thời Pháp khai thác chừa lại, các thanh chống bằng gỗ thì đã mục nát, nhiều nơi sạt lở rộng như một hội trường. Đường hầm ngang dọc hiểm nguy, thiếu không khí dẫn đến ngạt thở. Không tránh khỏi việc vàng tặc tranh chấp lãnh vực khai thác quặng... Đã có nhiều cái chết xảy ra trong khu vực mỏ này và chắc chắn với tình trạng này sẽ có những cái chết tiếp theo. Dù chính quyền địa phương đã liên tục cảnh báo, tuyên truyền, đẩy đuổi nhưng tình hình tại đây đang nóng hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ, lập lại trật tự ở đây là vấn đề cấp bách mà các cơ quan chức năng Quảng Nam cần phải chú trọng.

TẤN THÀNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=77440&menu=1390&style=1