Quảng Nam: Vinh danh nghề truyền thống tại 'Nét hoa nghề Hội An'

Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Nghề truyền thống, sáng tạo để hướng tới tương lai, tối 15/7, tại Hội An đã diễn ra đêm khai mạc sự kiện 'Nét hoa nghề Hội An'.

Sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An” diễn ra từ 15 - 17/7 là dịp để giới thiệu các nghề, làng nghề tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống vào sự phát triển du lịch “ngành công nghiệp không khói” tại đô thị cổ Hội An- Di sản Văn hóa Thế giới.

"Nét hoa Nghề Hội An" là dịp để giới thiệu các nghề, làng nghề tại Hội An; tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống vào sự phát triển du lịch “ngành công nghiệp không khói” tại đô thị cổ Hội An

"Nét hoa Nghề Hội An" là dịp để giới thiệu các nghề, làng nghề tại Hội An; tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống vào sự phát triển du lịch “ngành công nghiệp không khói” tại đô thị cổ Hội An

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, thông qua “Nét hoa Nghề Hội An”, thành phố càng khẳng định giá trị của các làng nghề truyền thống và tiếp tục thích ứng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người và nguồn tài nguyên khác của địa phương. “Thành phố Hội An hiện đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, với lĩnh vực Thủ công nghệ và Nghệ thuật dân gian”, ông Lanh nhấn mạnh.

Chương trình lần này mang đến cho nhân dân và du khách một chương trình nghệ thuật dân gian với những tiết mục ca ngợi nghề truyền thống Hội An, trình diễn nghề, hát hò khoan đối đáp, điệu múa Tung tung da dá của người Cơ-tu... Tại sự kiện có các không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề như: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, lụa và thổ cẩm, nghề làm đầu lân, đầu thiên cẩu, nghề làm lồng đèn, nghề làm tranh tre, đan lưới…

Tại sự kiện có không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, làng nghề truyền thống của Hội An. Ảnh: Visit Hoi An

Ngoài ra, tại các làng nghề tại Hội An cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí như: Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghề trồng rau Trà Quế tại làng rau Trà Quế, và các hoạt động hưởng ứng như: đua ghe, hội thi trồng rau, ẩm thực, hô hát bài chòi, ... Tại làng gốm Thanh Hà, hoạt động thiếu nhi với làng gốm, các chương trình tham quan, trải nghiệm tại Công viên Đất nung cũng diễn ra sôi nổi. Và còn rất nhiều các hoạt động khác như: Giới thiệu lụa và thổ cẩm tại Làng lụa Hội An, Trưng bày sản phẩm từ vải vụn và củi lũ tại Coco Casa Collection, Đạp xe “Vì Di sản văn hóa thế giới Hội An”, Không gian giới thiệu sản phẩm và xúc tiến du lịch huyện Tây Giang, Giao lưu văn hóa vùng miền, Chợ phiên Hội An… đều là những sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt, thể hiện tài năng, sức sáng tạo và định hướng phát triển Hội An gắn với du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Cũng trong dịp này, Hội An tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển nghề truyền thống, văn nghệ dân gian hướng tới thành phố sáng tạo” để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian trong con đường phát triển của Hội An; đề xuất các giải pháp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và con người Hội An ra thế giới.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-vinh-danh-nghe-truyen-thong-tai-net-hoa-nghe-hoi-an-183100.html