Quảng Nam: Vướng mắc trong quản lý, mở rộng các cụm công nghiệp

Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) tại địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được phê duyệt, đến nay toàn tỉnh có 93 CCN với tổng diện tích 2.759,82ha. Tổng số CCN dự kiến phát triển giai đoạn 2021-2030 là 41 cụm với tổng diện tích là 1.359,06ha. Các CCN sinh thái có 04 cụm, CCN đa ngành có 34 cụm, CCN làng nghề có 01 cụm, CCN chuyên ngành có 02 cụm. Về công tác quy hoạch, phát triển và quản lý CNN trên địa bàn tỉnh hiện nay tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng tại tỉnh Quảng Nam (ảnh: Internet).

Đối với việc xử lý các CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành việc xử lý các CCN hình thành trước Quyết định trên. Đã xử lý thành lập 32 CCN, trong đó xử lý 06 CCN trên địa bàn thị xã Điện Bàn có diện tích theo Quyết định thành lập vượt so với diện tích nêu trong Danh mục quy hoạch phát triển cụm công nghiệp. Xử lý loại khỏi quy hoạch phát triển 11 CCN… chuyển sang đất dịch vụ - đô thị - dân cư.

Đối với mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN hiện có, công tác chuyển đổi chủ đầu tư trên địa bàn hiện nay đang duy trì 03 loại hình chủ đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn trong việc giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng CCN do ngân sách đã đầu tư, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, một số địa phương ngân sách khó khăn, không có khả năng đầu tư phần còn lại một số CCN bị ảnh hưởng trong việc thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Theo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp ra đời khuyến khích các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN. Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn trong việc giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng CCN do ngân sách đã đầu tư, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng CCN, nên các địa phương còn lúng túng khi khai thác các hạ tầng dùng chung đã thực hiện như đường giao thông, khu xử lý nước thải tập trung...

Thực tế hiện nay tại các CCN có các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài (mục đích giữ đất), làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất CCN, trong khi nhu cầu thuê đất hiện nay của các dự án thứ cấp càng cao.

Hiện nay, việc bổ sung CCN vào phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh và mở rộng CCN yêu cầu phải xác định rõ chủ đầu tư thì Bộ Công Thương mới có văn bản thỏa thuận về việc mở rộng và bổ sung nêu trên. Vấn đề thủ tục mở rộng hoặc bổ sung CCN hiện nay của tỉnh Quảng Nam đang bị vướng do các CCN ở tỉnh Quảng Nam đa số là do Trung tâm phát triển CCN cấp huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay các Trung tâm này đã giải thể và sáp nhập chức năng vào đơn vị khác nên pháp lý các CCN này còn chồng chéo, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, cũng như thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào CCN.

Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương mới bổ sung chức năng kinh doanh hạ tầng CCN cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện nhưng trên thực tế chưa thực hiện đúng chức năng đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN (chưa thuê đất của nhà nước để đầu tư hạ tầng và cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm thuê lại, chưa thu phí sử dụng hạ tầng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Về tổ chức thực hiện quy chế quản lý CCN, chính sách hỗ trợ phát triển CCN ở địa phương các Sở, ban, ngành đã có sự phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan. Việc bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, quy hoạch chi tiết CCN, điều chỉnh quy mô, diện tích, ngành nghề… được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thu hút của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý và ưu đãi đầu tư cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển CCN, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 335,145 tỷ đồng cho 27 CCN trên địa bàn giai đoạn 2012-2020.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Quy định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 thay thế Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND, dự kiến kinh phí hỗ trợ trong 05 năm là khoảng 250 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các địa phương đã thực hiện 902,527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 428,161 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 50%.

Đối với các vấn đề đang vướng mắc hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã gửi kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các quy định tại các Nghị định để khắc phục những bất cập, tồn tại và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với CCN trong thời gian tới. Một số đề xuất, kiến nghị như ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhằm xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, giảm gánh nặng ngân sách địa phương.

Trường hợp xây dựng mô hình quản lý CCN giao cho doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN từ cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để thuận tiện trong công tác quản lý, đầu tư mở rộng CCN.

Có văn bản hướng dẫn xây dựng mức thu phí các công trình hạ tầng kỹ thuật chung CCN, dịch vụ tiện ích công cộng trong CCN. Giao trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về CCN ở địa phương để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà về CCN trên địa bàn.

Hải Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-nam-vuong-mac-trong-quan-ly-mo-rong-cac-cum-cong-nghiep-333145.html