Quảng Nam: Xây dựng đề án liên kết sản xuất công nghiệp hỗ trợ

Được hỗ trợ của Bộ Công Thương và Bộ KH&CN, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với THACO xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, nền tảng, động lực

Như tin đã đưa, ngày 17/12 tại KCN THACO Chu Lai (Quảng Nam), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã tổ chức công bố thành lập Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - THACO INDUSTRIES có tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, khánh thành Trung tâm Cơ khí vốn đầu tư hơn 100 triệu USD và khởi công xây dựng Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD.

Trung tâm Cơ khí với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD vừa được khánh thành tại KCN THACO Chu Lai (Quảng Nam).

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nêu rõ, cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là nền tảng, động lực cho sự phát triển của các quốc gia, nhất là với Việt Nam khi nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển, gián tiếp tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động.

“Nội dung này đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, và gần đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đến năm 2030”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Trí Thanh, hiện nay Quảng Nam có hơn 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí dân sinh. Tuy nhiên, có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với nhiều hạn chế như thiếu vốn, công nghệ, thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nguyên phụ liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đây là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp của tỉnh phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt là sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng

Để cải thiện tình hình trên, ông Lê Trí Thanh cho biết, những năm gần đây Quảng Nam đã hình thành nhiều KCN và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ (CNHT trở thành ngành kinh tế chủ lực, có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Để làm được điều này, vai trò của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh có thể đầu tư công nghệ hiện đại, chuẩn hóa sản phẩm, tự động hóa và sản xuất hàng loạt theo yêu cầu chuyên biệt của khách hàng, từ đó dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành hệ sinh thái sản xuất cơ khí và CNHT là vô cùng quan trọng”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau gần 20 năm đầu tư vào Chu Lai, với chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, lắp ráp ô tô, THACO đã đầu tư phát triển cơ khí và CNHT từ rất sớm. Đến nay Tập đoàn đã có hàng chục nhà máy, tổ hợp sản xuất với công nghệ hiện đại, sản phẩm đa dạng, đóng vai trò là hạt nhân, là động lực phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Đặc biệt, thực hiện chương trình tái cấu trúc theo chiến lược phát triển đa ngành, THACO đã xác định cơ khí và CNHT là ngành sản xuất kinh doanh chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời tiên phong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện THACO đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm cơ khí và linh kiện phụ tùng sang các thị trường cao cấp, khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, châu Âu…

Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác sản xuất CNHT

Ông Lê Trí Thanh cũng cho biết, với quyết tâm phát triển ngành cơ khí và CNHT, tháng 10/2021, tỉnh Quảng Nam và THACO đã phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến về hợp tác sản xuất, gia công ngành cơ khí để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của THACO. Đây được xem là cột mốc đánh dấu cho việc xúc tiến hình thành hệ sinh thái phát triển cơ khí và CNHT của Việt Nam tại Quảng Nam.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 135 ngày 6/5/2022, được hỗ trợ của Bộ Công Thương và Bộ KH&CN, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với THACO xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành CNHT, công nghiệp cơ khí tại Chu Lai. Hình thành hệ sinh thái này sẽ tăng cường kết nối để ngành cơ khí và CNHT bức phá, nâng cao sức cạnh tranh, tạo nên mạng lưới liên kết ngành, liên kết vùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành trung tâm công nghiệp ô tô và cơ khí đa dụng tại Quảng Nam.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các sự kiện lớn vừa qua của THACO khẳng định quyết tâm, sự kiên định, thống nhất của doanh nghiệp này và Quảng Nam trong thực hiện chiến lược phát triển cơ khí và CNHT với quy mô lớn, tạo động lực phát triển ngành cơ khí và CNHT trên địa bàn tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp ủng hộ, tin tưởng, cùng tham gia với THACO không chỉ trong lĩnh vực cơ khí mà còn nhiều lĩnh vực khác. Và sự hợp tác này sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước, bắt đầu từ Quảng Nam. Chúng tôi cam kết nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp không ngừng phát triển lớn mạnh và thành công”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/quang-nam-xay-dung-de-an-lien-ket-san-xuat-cong-nghiep-ho-tro/20221218085119128