Quảng Ngãi: Dạy bơi cho trẻ, cung vẫn chưa đủ cầu

Trong khi hiểm họa đuối nước là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội, việc dạy bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại Quảng Ngãi vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khu bể bơi ở Trung tâm Thể thao phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi) dịp cuối tuần trở nên đông đúc hơn hẳn mọi ngày. Theo ông Trần Anh Nhật - Quản lý hồ bơi, thời quan qua, có khá nhiều phụ huynh đưa con đến học bơi và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước. Nhu cầu lớn nên thứ 7, chủ nhật hàng tuần, khu bể bơi luôn trong tình trạng quá tải.

"Đặc biệt, sau khi kết thúc năm học, lượng học viên đăng ký học bơi tăng lên nhiều lần, trung tâm phải tuyển thêm huấn luyện viên để giám sát và hướng dẫn các em. Số lượng học viên mới mỗi ngày từ 70 đến 100 em” - ông Nhật chia sẻ.

Thiếu nhi học bơi ở trường tiểu học Nghĩa Chánh.

Thiếu nhi học bơi ở trường tiểu học Nghĩa Chánh.

Bể bơi của trường tiểu học Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) cũng có khá đông các em thiếu nhi đang học bơi. Em Phan Tấn Tài (lớp 5C0 trường tiểu học Nghĩa Chánh) hồ hởi: “Học bơi không chỉ giúp em được vui chơi trong những ngày hè nóng bức, được rèn luyện sức khỏe mà còn giúp em biết cách phòng, chống đuối nước”.

Hiện tại, TP Quảng Ngãi có 12 bể bơi, trong đó có 5 bể bơi ở trường học, đây cũng là địa phương có nhiều bể bơi nhất trong tỉnh. Mặc dù vậy, việc dạy bơi cho học sinh ở TP Quảng Ngãi vẫn gặp không ít khó khăn.

“Nhiều học sinh vẫn không có cơ hội được học bơi vì thiếu bể bơi, thiếu giáo viên. Ngoài ra, kinh phí và nhân lực để duy trì bể bơi trong thời gian không sử dụng được do đặc điểm thời tiết và thời gian học của học sinh cũng là mối lo lớn khi xây dựng bể bơi" - ông Nguyễn Đăng Kiểm - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Quảng Ngãi cho biết.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ có 45 bể bơi đủ điều kiện kinh doanh, hoạt động theo đúng quy định hiện hành, trong đó, có 20 bể bơi được xây dựng kiên cố và 25 bể bơi lắp ráp. Tại trường học, có 11 trường có bể bơi phục vụ cho nhu cầu học tập và rèn luyện cho học sinh, còn lại là do doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn và huyện miền núi đều khan hiếm bể bơi, riêng Ba Tơ, Sơn Tây là các địa phương “trắng” bể bơi.

Bơi lội là kỹ năng quan trọng, góp phần hạn chế đuối nước ở trẻ em.

Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ đuối nước, làm 6 trẻ tử vong. Điều này cho thấy việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước cho trẻ em rất cần thiết, cần có sự góp sức của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Liên Phương- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, số lượng các bể bơi hiện chưa đáp ứng đủ nguyện vọng của các em trong dịp hè, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

“Số lượng hồ bơi trên địa bàn tỉnh hiện giảm qua các năm, bởi một số nguyên nhân khách quan như hồ bơi lắp ráp bằng khung sắt nên bị hư hỏng, kinh doanh thua lỗ, hết thời hạn hợp đồng thuê đất đối với hồ bơi lắp ráp” - ông Nguyễn Liên Phương cho hay.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, hiện đơn vị đã tham mưu ban hành kế hoạch phòng, chống đuối nước giai đoạn 2021 - 2030 để các địa phương xây dựng lộ trình triển khai thực hiện, phối hợp với các đơn vị trường học để xã hội hóa, xây dựng các hồ bơi.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-day-boi-cho-tre-cung-van-chua-du-cau.html