Quảng Ngãi đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn…

Với việc chọn tầm nhìn chiến lược 'Đa sắc - Hiệp đồng - Khác biệt', Quảng Ngãi đã và đang hoạch định phương hướng, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội, khơi thông nguồn lực để phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Khu đô thị Vsip Quảng Ngãi là một trong những dự án mang lại hiệu quả kinh tế tăng trưởng cho địa phương

Cú “huých” từ những dự án động lực

Quảng Ngãi là địa phương nằm ở trung tâm của đất nước và có mối liên kết chặt chẽ, gắn kết với các nước ASEAN và các nước thuộc hành lang kinh tế Đông Tây (Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar). Cũng là một địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên hệ thuận tiện với các trung tâm vùng theo trục dọc: Huế - Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quảng Ngãi - Quy Nhơn, là cửa ngõ ra biển của hành lang thương mại quốc tế từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia qua cửa khẩu Bờ Y và Quốc lộ 24.

Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất nằm trong hành lang kinh tế ven biển, tiếp giáp Khu kinh tế mở Chu Lai, có các tuyến đường thủy qua cảng Dung Quất, Sa Kỳ… và các tuyến đường giao thông trọng yếu quốc gia đi qua bao gồm: đường sắt Bắc Nam, đường bộ cao tốc, Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, trục dọc ven biển quốc gia... Do đó, Quảng Ngãi có đủ yếu tố thuận lợi hình thành mối liên kết hội nhập của toàn miền Trung.

Từ vị trí chiến lược đó, địa phương này đã thu hút thành công các “ông lớn” về dòng vốn FDI, và các “đại bàng” ngành công nghiệp chủ lực ở trong nước.

Đơn cử, dự án Khu công nghiệp - đô thị – dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án VSIP thứ 5 tại Việt Nam - Dự án đầu tiên mang thương hiệu VSIP tại miền Trung, được chính thức khởi công vào năm 2013 trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Singapore.

Qua gần 10 năm đầu tư và phát triển hạ tầng theo chuẩn mực của khu công nghiệp chuyên nghiệp, xanh và thân thiện với môi trường, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 35 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đến từ các nước, như: Mỹ, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc.., Trong đó 26 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất tạo hơn 29.000 việc làm; dự kiến khi 35 nhà đầu tư này đi vào hoạt động sẽ tạo ra 53.000 việc làm cho lao động địa phương; đóng góp hơn 15,2 tỷ đồng an sinh xã hội địa phương.

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tháng 12/2023 Tỉnh sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) cho nhà đầu tư này nhân sự kiện 10 năm “có mặt” tại địa phương.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng cho rằng, dựa trên những điều kiện thuận lợi, Quảng Ngãi đã có bước phát triển nhanh trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,4% đều qua các năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi dần chậm lại trong giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện qua các giá trị thu ngân sách, tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ đô thị hóa thấp hơn so với mức bình quân vùng và bình quân cả nước. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế của Tỉnh mất cân đối do quá phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nền tảng như lọc dầu, luyện kim thép. Cấu trúc các ngành kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp hóa nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm, hiệu quả thấp.

Chính những điểm nghẽn này đặt ra yêu cầu Quảng Ngãi phải cơ cấu lại các ngành sao cho hài hòa, phát huy tối đa lợi thế vốn có của địa phương thông qua bài toán quy hoạch, ông Đặng Văn Minh cho hay.

Trung tuần tháng 12/2023, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiến hành một loạt sự kiện lớn, bao gồm: Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi; Trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) nhân sự kiện 10 năm VSIP Quảng Ngãi.

Một góc TP Quảng Ngãi. Ảnh B.T. Trung

Đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh - Một chiến lược đúng sẽ giúp địa phương phát triển vượt bậc. Do đó, công tác lập quy hoạch của Quảng Ngãi đã được thực hiện một cách nghiêm túc và thận trọng.

Theo Nghị quyết Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi xây dựng tầm nhìn chiến lược “Đa sắc - Hiệp đồng - Khác biệt” dựa trên những ưu thế riêng có của mình, hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Theo đó, Quảng Ngãi sẽ trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Quảng Ngãi (kết hợp Quảng Nam) phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, phát triển kinh tế biển - đảo, kinh tế rừng xanh...

Cụ thể, định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm; thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước (7.700 - 7.900 USD); là một tỉnh công nghiệp với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước. Các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao dần hình thành tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

Đến năm 2030, Quảng Ngãi có hai trung tâm động lực tăng trưởng, trong đó, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Khu du lịch Đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo quốc gia.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang từng bước xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần được nhân rộng…

Trước đó, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của địa phương vào đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong những năm qua, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước.

Qua đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, phải đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn…

“Tỉnh Quảng Ngãi tập trung thúc đẩy hai động lực phát triển của tỉnh là Khu kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sứ mệnh mới đang đặt lên vai tỉnh Quảng Ngãi là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Phải làm sao đóng góp xứng đáng, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước... Về sứ mệnh này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi “tự tin” rằng trong tầm nhìn vị trí chiến lược của một thành viên thuộc Khu kinh tế trọng điểm miền Trung có nền kinh tế phát triển năng động; nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; tiềm năng du lịch phong phú và đội ngũ lãnh đạo có trình độ cao, nhiệt tình, tâm huyết… sẽ là chiến lược lựa chọn đúng đắn.

Việt Hương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-ngai-doi-moi-tu-duy-nang-cao-tam-nhin-post1586985.tpo