Quảng Ngãi: Rừng liên tục bị 'xóa sổ', cơ quan chức năng 'bất lực'

Nhiều vạt rừng phòng hộ tại xã Ba liên (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng ngãi) bị tàn phá để trồng keo. Tình trạng này đã ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua, nhưng dường như các cơ quan chức năng 'bó tay' không có biện pháp ngăn chặn nào hữu hiệu.

Chặt rừng theo kiểu “vết dầu loang”

Theo ông Nguyễn Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 11.000m2 rừng bị tàn phá ở 2 điểm thuộc khoảnh 7, tiểu khu 366 (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ). Điểm phá rừng thứ nhất cách hồ chứa nước Núi Ngang khoảng 3km có gần 8.000m2 bị đốn. Cây rừng bị hạ ngã không thương tiếc bởi các vết cắt cũ, mới xen lẫn.

7/60,9ha rừng bị phá ở Bình Định đã được “lâm tặc” trồng lại keo lai.

Nhiều thân cây có đường kính từ 30 đến 40cm nằm ngổn ngang. Một số cây bị đốt cháy nham nhở. Cách đó hơn 2km, cũng tại khoảnh 7, điểm phá rừng thứ 2 có 3.000m2 rừng cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều vạt rừng mới bị đốt, có chỗ còn bốc khói.

Bên cạnh đó, hàng chục khúc gỗ nhiều cỡ còn nguyên vẹn xếp ngay ngắn bên sườn đồi. Theo người dân địa phương, cách phá rừng các đối tượng đều có tính toán kỹ lưỡng. Đầu tiên là cưa hạ một khoản nhỏ, sau đó đốt cháy. Mỗi ngày phá một ít, theo kiểu “vết dầu loang” cứ thế lấn dần. Nếu cưa hạ trên diện tích lớn, sẽ bị kiểm lâm phát hiện và xử lý ngay.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Ba Tơ diễn ra từ năm 2014 đến nay. Theo thống kê, trong năm 2016 trên địa bàn xã Ba Liên có tới 34 vụ lấn chiếm và phá rừng. Trong đó, có 22 vụ lấn chiếm với diện tích trên 120.000m2, 12 vụ phá rừng trên 26.000m2.

Ngăn triệt để là không thể

Ông Phạm Văn Cu - Chủ tịch UBND xã Ba Liên xác nhận thông tin về vụ phá rừng, đồng thời cho biết: “Địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con nhưng vẫn chưa ngăn chặn được”. Theo vị Chủ tịch xã, trước đây, vì lợi ích chung, người dân Ba Liên đã nhường đất để xây dựng hồ Núi Ngang cũng như trồng rừng phòng hộ ở khu vực này.

Tuy nhiên, khi chuyển về nơi ở mới, nhiều hộ không còn đất canh tác, cuộc sống rơi vào khó khăn, nguồn sinh kế bị mất nên họ quay lại lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất. “Do chuyển đổi từ rừng sản xuất qua rừng phòng hộ nhưng chưa bồi thường đầy đủ cho dân. Người dân chung quanh thiếu đất sản xuất, canh tác nên phá rừng lấy đất trồng keo”, ông Cu giải thích.

Ông Cu cho biết: “Về góc độ địa phương, trách nhiệm bảo vệ rừng thì vẫn phải tiếp tục làm. Nhưng chúng tôi đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chuyển những vị trí rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất sản xuất, để người dân có nguồn sinh kế, ổn định cuộc sống”.

Trong khi đó, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra hiện trạng rừng phòng hộ bị tàn phá. Bước đầu xác định, số diện tích rừng bị phá là gỗ rừng tự nhiên hiện trạng rừng phục hồi.

Cơ quan chức năng đã phát hiện 2 đối tượng ở thôn Đá Chát (xã Ba Liên) phá rừng phòng hộ để trồng keo, và đang tiến hành các bước điều tra tiếp theo. “Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ đã không ngăn chặn kịp thời, để đối tượng phá rừng tiếp tục trồng keo trên diện tích đó, dẫn đến việc xử lý khó khăn hơn. Để mất rừng thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, Phó Chi cục trưởng kiểm lâm cho hay.

Tuy nhiên, vị Phó ngành kiểm lâm cũng “thanh minh”: “Hiện Ban quản lý rừng khu Đông Ba Tơ chỉ có 6 cán bộ biên chế, trong khi phải quản lý, bảo vệ trên 10.000ha rừng. Chính vì lực lượng mỏng, rừng lại nhiều, nên đơn vị này chỉ cố gắng hạn chế thấp nhất nạn phá rừng, chứ ngăn chặn triệt để là điều không thể”.

Khẩn trương làm rõ và xử lý trách nhiệm

Sau khi có thông tin về vụ việc, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản khẩn chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương làm rõ và xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc phá rừng phòng hộ ở huyện miền núi Ba Tơ.

Theo đó, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi được giao trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Ba Tơ kiểm tra, xác minh tình trạng xâm phạm rừng phòng hộ tại tiểu khu 366 ở xã Ba Liên; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng xâm hại rừng phòng hộ. Báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 20/10.

Bất ngờ báo cáo “lùi” thời điểm vụ phá rừng ở Bình Định

Liên quan đến vụ phá 60,9ha rừng ở Bình Định, theo các báo cáo của Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, vụ phá hoàn toàn 60,9 ha rừng tự nhiên tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1 (xã An Hưng, huyện An Lão) được thực hiện từ ngày 4 đến 31/8.

Tại hiện trường, rừng và cây rừng đã được đốt dọn để làm sạch thực bì. Hơn 7ha rừng sau khi bị phá đã được trồng keo lai.

Ngang nhiên hơn, các đối tượng phá rừng đã sử dụng phương tiện cơ giới mở 500m đường vào địa điểm phá rừng và thời điểm bắt đầu phát hiện rừng bị phá theo báo cáo là từ ngày 7/9.

Tuy nhiên, theo kỹ thuật lâm sinh, hàng loạt cây rừng vừa bị chặt hạ không thể được đốt để lấy đất trồng keo lai nếu cây rừng chưa đủ thời gian để khô.

Để đốt được cây rừng như hiện trường và trồng keo lai xuống, thời gian phá rừng phải kéo dài từ 3 đến 4 tháng, chứ không thể trong vòng một tháng như Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định báo cáo.

Ngày 29/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với các cán bộ kiểm lâm khi để “lâm tặc” tàn phá 60,9ha rừng tại huyện An Lão.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Với quyết định này, tuần sau chúng tôi sẽ thành lập hội đồng để làm việc với huyện, xem mức độ xử lý này được chưa hay phải nặng hơn. Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh rồi mới đưa ra hình thức kỷ luật chính thức”.

Bất ngờ báo cáo “lùi” thời điểm vụ phá rừng ở Bình Định Liên quan đến vụ phá 60,9ha rừng ở Bình Định, theo các báo cáo của Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, vụ phá hoàn toàn 60,9 ha rừng tự nhiên tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1 (xã An Hưng, huyện An Lão) được thực hiện từ ngày 4 đến 31/8.

Tại hiện trường, rừng và cây rừng đã được đốt dọn để làm sạch thực bì. Hơn 7ha rừng sau khi bị phá đã được trồng keo lai. Ngang nhiên hơn, các đối tượng phá rừng đã sử dụng phương tiện cơ giới mở 500m đường vào địa điểm phá rừng và thời điểm bắt đầu phát hiện rừng bị phá theo báo cáo là từ ngày 7/9.

Tuy nhiên, theo kỹ thuật lâm sinh, hàng loạt cây rừng vừa bị chặt hạ không thể được đốt để lấy đất trồng keo lai nếu cây rừng chưa đủ thời gian để khô. Để đốt được cây rừng như hiện trường và trồng keo lai xuống, thời gian phá rừng phải kéo dài từ 3 đến 4 tháng, chứ không thể trong vòng một tháng như Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định báo cáo.

Ngày 29/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với các cán bộ kiểm lâm khi để “lâm tặc” tàn phá 60,9ha rừng tại huyện An Lão. Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Với quyết định này, tuần sau chúng tôi sẽ thành lập hội đồng để làm việc với huyện, xem mức độ xử lý này được chưa hay phải nặng hơn. Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh rồi mới đưa ra hình thức kỷ luật chính thức”.

Nhuận oanh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/quang-ngai-rung-lien-tuc-bi-xoa-so-co-quan-chuc-nang-bat-luc-d54278.html