Quảng Ninh bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây dược liệu

Với nhiều diện tích đất đồi núi, khí hậu có độ ẩm cao, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Hiện, tỉnh đã xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu có giá trị cao, hướng tới trở thành trung tâm dược liệu của vùng Ðông Bắc.

Mô hình trồng cây sachi của HTX Quang Vân, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh).

Với nhiều diện tích đất đồi núi, khí hậu có độ ẩm cao, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Hiện, tỉnh đã xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu có giá trị cao, hướng tới trở thành trung tâm dược liệu của vùng Ðông Bắc.

Thu hút doanh nghiệp trồng, chế biến dược liệu

Theo điều tra của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng và phong phú, với gần một nghìn loài cây dược liệu, trong đó có nhiều loại quý, như: hồi, quế, bình vôi, lược vàng, ba kích, tam thất, cẩu tích, bổ cốt toái, hoàng đằng, đẳng sâm, thổ phục linh, nấm linh chi...

Ngoài ra, trên địa bàn còn phát hiện hàng chục loại cây dược liệu chưa được ghi chép trong các sách về cây thuốc. Khai thác những thế mạnh đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã phát triển nhiều mô hình trồng cây dược liệu tại các huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ.

Hiệu quả kinh tế thấy rõ tại mô hình trồng của huyện Tiên Yên. Diện tích trồng dược liệu của huyện hiện có hơn 56 ha, trong đó gần 10 ha trồng cây dây thìa canh, cà gai leo, địa hoàng, kim ngân, hà thủ ô đỏ, cát sâm, ba kích tím, kim tiền thảo. Sản lượng hằng năm đạt hơn 26 tấn các loại. So với trồng lúa, trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ bốn đến sáu lần. Xác định đúng hướng đi, UBND huyện Tiên Yên đã tổ chức liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Ðông Bắc. Ðồng thời, triển khai xây dựng cơ sở sơ chế để sấy và bảo quản dược liệu có quy mô 200 kg tươi/ngày. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Lương Ái Phật cho biết: Ðể phát triển dược liệu bền vững, huyện đã triển khai dự án tổng thể phát triển dược liệu, trong đó xác định vùng trồng, loài dược liệu phù hợp đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị trường. Ðồng thời tiếp tục liên kết với Công ty Dược OPC Bắc Giang xây dựng vùng trồng dược liệu trên địa bàn huyện với quy mô 5 ha cây kim tiền thảo, ký kết với Công ty TNHH Nam Dược Nam Ðịnh tiêu thụ sản lượng dược liệu hiện có trên địa bàn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại năm xã trên địa bàn và sẽ đầu tư xây dựng thêm cơ sở sấy và chế biến.

Là địa phương có lợi thế nhiều đất rừng, huyện Ba Chẽ đẩy mạnh phát triển các dược liệu quý, trong đó tập trung vào hai loài cây có giá trị kinh tế cao là ba kích và trà hoa vàng. Năm 2018 - 2019, nhu cầu tiêu thụ dược liệu tăng cao, chính sách hỗ trợ người trồng được triển khai kịp thời, cho nên đã thúc đẩy người dân mở rộng diện tích trồng hai loại cây này. Hiện, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện là 266 ha, sản lượng bình quân gần 115 tấn dược liệu các loại/năm. Doanh thu từ sản phẩm hoa khô và lá khô cây trà hoa vàng năm 2017 - 2018 đạt hơn 5,1 tỷ đồng, năm 2018 - 2019 là 13 tỷ đồng. Huyện Ba Chẽ đã linh hoạt xây dựng cơ chế và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ dược liệu, như: Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex; Công ty CP Dược - Vật tư y tế Quảng Ninh; Công ty TNHH một thành viên Dược Khoa (Dk pharma). Một số doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch đầu tư phát triển dược liệu với diện tích 200 ha trên địa bàn.

Tại huyện Hoành Bồ đã hình thành vùng trồng cây dược liệu với diện tích hơn 150 ha, tập trung ở các xã Quảng La, Bằng Cả, Ðồng Lâm, Ðồng Sơn, Tân Dân. Bên cạnh những diện tích trồng nhỏ lẻ của các hộ dân, đã có những doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư trồng với diện tích lớn, như: HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, Công ty CP Y tế Ðức Minh, HTX Nông dược Quang Vân, HTX Quế Sơn... UBND huyện Hoành Bồ triển khai nhiều giải pháp để phát triển cây dược liệu, như: hỗ trợ mua cây giống, miễn, giảm tiền thuê đất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dược liệu. Bước đầu, đã có một số sản phẩm từ dược liệu cung cấp cho thị trường, như: HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (xã Quảng La) sản xuất tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu bạc hà, trà túi kim ngân, nhân trần. HTX Nông dược Quang Vân (xã Thống Nhất) đã mạnh dạn đưa cây sachi còn khá mới mẻ trên thị trường vào trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây sachi. Ðến nay, tổng diện tích trồng sachi của HTX là hơn 3 ha, cung cấp ra thị trường các sản phẩm, như: rau sachi, hạt sachi rang sấy, trà thảo mộc sachi, dầu sachi.

Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của cả nước. Thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn tiêu chuẩn GMP-WHO. Ðến nay, nhà máy đã sản xuất thành công hàng chục sản phẩm từ dược liệu, trong đó đáng chú ý là sản phẩm thực phẩm chức năng từ hàu biển Quảng Ninh đã đạt giải thưởng vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2015. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều cơ sở sơ chế, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu được đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng lớn, như: Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Ðông Bắc, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, HTX Dược liệu xanh Ðông Triều, Công ty CP Lâm sản Ðạp Thanh.

Phát triển gắn với bảo tồn

Cùng với phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, tỉnh Quảng Ninh chú trọng công tác bảo tồn các nguồn gien dược liệu quý. Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Ðồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử, vườn quốc gia Bái Tử Long, vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn được hàng trăm loại dược liệu đại diện của vùng Ðông Bắc. Trong đó, lưu giữ nhiều bộ gien các loại: ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gien các loại họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng…

Các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn có khả năng ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tạo ra các giống cây dược liệu có chất lượng cao để sản xuất đại trà. Ðây là tiền đề quan trọng để hướng đến xây dựng thung lũng dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử. Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng, vườn cây thuốc Yên Tử sẽ góp thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam một địa chỉ thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Ðể bảo tồn và phát huy giá trị các loài cây dược liệu quý, huyện Ba Chẽ triển khai trồng thử nghiệm, chọn lọc các giống đẳng sâm, cát sâm, sâm cau…

Trước đây, các cây này chủ yếu phát triển trong tự nhiên với diện tích không nhiều và không tập trung. Ðến nay, toàn huyện Ba Chẽ đã chọn lọc được một số giống tốt để trồng đại trà. Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Nguyễn Minh Sơn chia sẻ: Hiện nay, huyện đang nỗ lực thực hiện đề án bảo tồn và phát triển một số loại dược liệu quý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Huyện tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu và đầu tư triển khai dự án trồng cây dược liệu.

Các chuyên gia dược liệu cho rằng, để bảo tồn, phát triển dược liệu bền vững, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục tuyên truyền để người dân không khai thác cây dược liệu một cách tự phát, có các giải pháp tái sinh, bảo tồn, nhất là một số loại đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tuy đã có đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, nhưng phần lớn dược liệu vẫn bán dạng thô, chưa tạo giá trị gia tăng; các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất còn ít, dạng bào chế đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, cần xây dựng chuỗi giá trị dược liệu, từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phải gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển, bảo tồn và nâng cao giá trị cây dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Ðặng Huy Hậu cho biết: Tỉnh sẽ đầu tư mạnh mẽ, ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn, phát triển cây dược liệu, từng bước hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung với quy mô lớn. Tỉnh rất cần các bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ để từng bước nâng cao giá trị cây dược liệu.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41099102-quang-ninh-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung-cac-loai-cay-duoc-lieu.html