Quảng Ninh: Cấp cứu bé 18 tháng tuổi bị đồ chơi đâm sâu vào họng

Ngậm chiếc nĩa đồ chơi, em bé 1,5 tuổi bất ngờ bị anh va chạm mạnh khiến món đồ đâm sâu vào cổ họng, suýt tới cột sống cổ.

Tri thức trực tuyến đưa tin, mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết vừa cứu sống bệnh nhi 18 tháng tuổi bị cây nĩa đâm xuyên vào thành sau họng.

Gia đình bệnh nhi cho hay trẻ đang chơi cùng anh trai 3 tuổi với các vật dụng ăn uống bằng nhựa nhỏ như ly, chén, muỗng, nĩa,…Trẻ ngậm một chiếc nĩa nhỏ có 4 ngạnh, bất ngờ người anh va chạm mạnh, làm chiếc nĩa nhựa đâm vào cổ họng. Trẻ đau, kêu khóc, ói mửa, chảy máu,…

Mẹ bệnh nhi phát hiện sự việc, cho trẻ nằm sấp, vỗ lưng, lọt ra được 2 ngạnh, một ngạnh trên chiếc nĩa và vẫn còn trong họng trẻ. Người nhà ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Dị vật nằm sâu trong cơ thành sau hòng, trước cột sống cổ. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Dị vật nằm sâu trong cơ thành sau hòng, trước cột sống cổ. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Tại bệnh viện, tiến hành chụp CT-scan vùng cổ, các bác sĩ phát hiện thấy dị vật dài khoảng 2 cm nằm sâu trong thành sau họng, trước cột sống cổ. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật bóc tách cơ thành sau họng lấy ra dị vật là thanh nhựa trắng, mảnh, dài khoảng 2 cm. Sau phẫu thuật trẻ tỉnh táo, hết khó thở, không chảy máu, nôn ói.

Trước đó, ngày 15/3, theo Người Đưa Tin, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cũng đã tiến hành phẫu thuật để rút một chiếc kim băng nhọn đâm sâu vào thực quản cho bé V.T.N.(4 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Hình ảnh chiếc kim băng được lấy ra sau phẫu thuật. Ảnh: Người Đưa Tin

Qua những trường hợp này, các bác sĩ lưu ý phụ huynh không cho trẻ chơi đồ vật có kích thước nhỏ vì có thể ngậm nuốt gây dị vật đường tiêu hóa hoặc đường thở, tắc nghẽn suy hô hấp, cũng như những tổn thương khác, nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không nên ngậm muỗng, nĩa, đũa, bút,… dễ gây tổn thương khi ngã. Những thức ăn dễ bị hóc như: Đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương… cũng cần tránh cho trẻ ăn.

Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập, đột ngột ho sặc, hóc thức ăn, đồ chơi…, sau đó xảy ra tình trạng khò khè kéo dài, các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa sâu và nội soi về hô hấp nhi để phát hiện và xử trí kịp thời.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/quang-ninh-cap-cuu-be-18-thang-tuoi-bi-do-choi-dam-sau-vao-hong-a315802.html