Quảng Ninh dẫn đầu chính quyền điện tử: Không chỉ 4 năm tiết kiệm 33 tỉ đồng tiền tem thư

Kể từ khi bắt đầu thực hiện chính quyền điện tử vào đầu năm 2015 tới 24.10.2018, đã có trên 4.695.747 văn bản được trao đổi qua mạng giữa 609 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thay vì phải chuyển qua bưu điện. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian chỉ đạo, thực thi nhanh nhiệm vụ và giám sát từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, mà còn tiết kiệm riêng tiền tem thư mỗi năm cả chục tỉ đồng cho Quảng Ninh.

Số văn bản được trao đổi qua mạng tại Quảng Ninh tính đến sáng 24.10.2018. Ảnh chụp từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tình Húc là xã vùng sâu của huyện miền núi Bình Liêu, nhưng trong vòng vài năm qua đã có trên 10.000 công văn nhận và chuyển qua mạng Internet. Ông Vi Hồng Lâm – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tình Húc – cho biết, hiện, toàn bộ công văn, chỉ thị, báo cáo…đến và đi từ xã lên huyện, tỉnh, các sở, ngành và ngược lại đều được xử lý trên mạng. Theo ông Lâm, nếu thực hiện như trước đây, thì phải in 10.000 công văn đó và đem ra bưu điện gửi – không chỉ tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.

“Điều quan trọng, mỗi cá nhân có một tài khoản và các công văn được scan rồi gửi vào từng tài khoản liên quan chỉ trong vòng vài phút” – ông Lâm chia sẻ – “Nhận được công văn, người đứng đầu chỉ đạo, giao cho cá nhân cụ thể nào đó phụ trách hoặc phối hợp thực hiện công việc và ấn định mốc thời gian hoàn thành”.

Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh là một trong những đơn vị có số lượng văn bản trao đổi qua mạng khá cao. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Võ Đức Hạnh – Phó Ban thường trực Ban Quản lý điều hành Dự án chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh – đến nay, việc trao đổi văn bản qua mạng đã được thực hiện ở tất cả các cấp trong hệ thống Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể…, từ cấp xã tới cấp tỉnh.

Tính đến hôm nay (24.10), Quảng Ninh đã có trên 4.695.747 văn bản được trao đổi qua mạng giữa 609 đơn vị trong tỉnh. Trong khi đó, Hà Nội có trên 3,7 triệu văn bản trao đổi qua mạng giữa 148 đơn vị; đứng thứ 3 là TP.HCM với trên 3,5 triệu văn bản. Với trung bình khoảng 7.000 đồng/lần chuyển phát nhanh, theo ông Hạnh, nếu gửi qua bưu điện số văn bản trên, ngân sách Quảng Ninh sẽ mất gần 33 tỉ đồng; chưa kể lượng in ấn khổng lồ.

“Tiền bạc là một chuyện, hiệu quả ở chỗ là gửi đi nhận được ngay, giúp xử lý công việc nhanh hơn. Hơn nữa, mỗi văn bản gửi đi đều có dấu lưu trên máy và có ấn định thời gian xử lý công việc, buộc các đơn vị, cá nhân phải nêu cao trách nhiệm của mình” – ông Hạnh cho biết.

Được biết, ngày 7 và 8.11.2018, tại Nhật Bản, Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) sẽ tổ chức trao giải ASOCIO cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xuất sắc tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO. Với những kết quả của mình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp chính quyền phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tôt hơn, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ trao giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số (Digital Government).

Nguyễn Hùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/quang-ninh-dan-dau-chinh-quyen-dien-tu-khong-chi-4-nam-tiet-kiem-33-ti-dong-tien-tem-thu-637703.ldo