Quảng Ninh: Điểm sáng đầu tư lưới điện nông thôn

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và cơ chế, chính sách hợp lý, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Đóng góp không nhỏ cho thành công ấy phải kể đến nỗ lực của Công ty Điện lực (PC) Quảng Ninh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện nông thôn, bảo đảm điện đi trước một bước.

Thi công đưa điện về xã đảo Ngọc Vừng - huyện Vân Đồn

Thi công đưa điện về xã đảo Ngọc Vừng - huyện Vân Đồn

Dấu ấn điện nông thôn, hải đảo

Báo cáo của PC Quảng Ninh cho thấy, trước năm 2012, hệ thống lưới điện Quảng Ninh chủ yếu tập trung ở vùng đô thị, nông thôn đồng bằng. Khu vực nông thôn miền núi, biên giới, hải đảo hầu như chưa đủ điện để dùng hoặc có nhưng chất lượng điện rất thấp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên PC Quảng Ninh, đến nay, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đã tương đối đồng bộ với trên 3.000 km đường dây trung áp; gần 14.000 km đường dây hạ áp; 3.283 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 998.000 kVA. Ngoài ra, còn có hàng trăm km đường dây cao thế và nhiều trạm biến áp của khách hàng.

Đánh giá về hạ tầng điện của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cho biết, ngoài hệ thống điện đồng bộ, Quảng Ninh còn là tỉnh đi đầu trong việc đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe, bản trên đất liền và các xã đảo với nhiều dự án như: “Xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh Quảng Ninh”; “Đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô”; dự án cấp điện cho các xã đảo huyện Vân Đồn. Điều này góp phần phủ kín lưới điện đến 100% thôn, khe, bản; nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh đạt 99,85%.

Bên cạnh đó, PC Quảng Ninh còn để lại dấu ấn thành công khác là các dự án đều hoàn thành xuất sắc, vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị trong thi công; đồng thời, huy động từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa được trên 1.000 tỷ đồng.

Tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn, biển đảo

Theo báo cáo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, đến hết năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,68% (năm 2010) xuống còn 1,55% (năm 2015). Thành công đó có đóng góp không nhỏ của ngành điện Quảng Ninh.

Trên thực tế, kể từ khi có điện lưới quốc gia, kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã có sự thay đổi cơ bản. Tại huyện đảo Cô Tô, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng vượt bậc, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, phát triển nhanh các ngành dịch vụ, du lịch. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 2.050 USD năm 2014. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, việc có được hạ tầng điện nông thôn tốt đã giúp người nông dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng thị trường hàng hóa; hình thành các vùng sản xuất lớn và tập trung trên cơ cở áp dụng khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến; bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm... Đồng thời, nguồn điện đủ góp phần thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là những tiền đề quan trọng để Quảng Ninh chuyển sang một bước phát triển cao hơn trong chương trình nông thôn mới.

Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, PC Quảng Ninh sẽ tiếp tục cấp điện cho các hộ dân còn lại ở các thôn, khe bản chưa có điện, đồng thời nâng cao độ tin cậy cấp điện, đáp ứng đủ nguồn điện an toàn, chất lượng cho phát triển kinh tế nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-diem-sang-dau-tu-luoi-dien-nong-thon-59835.html