Quảng Ninh: Đổi mới công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị tại các Trung tâm chính trị cấp huyện

Giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của từng cấp ủy Đảng. Trong những năm qua, tỉnh ủy Quảng Ninh đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời công tác giáo dục lý luận chính trị, nhất là tại cấp ủy địa phương, cơ sở.

Nhằm thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (nay là Trung tâm chính trị) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) của Đảng về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành Tuyên giáo Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực.

Ngay từ năm 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” nhằm từng bước kiện toàn sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng tinh gọn, tăng tính liên kết và bổ trợ lẫn nhau; trong đó có nội dung chuyển chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cấp ủy; chuyển việc quản lý tài chính, cơ sở vật chất về Văn phòng cấp ủy. Do chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo, Trung tâm BDCT cấp huyện có nhiều mối quan hệ tương hỗ nên thống nhất về một mối từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đến việc tham mưu thực hiện nhiệm vụsẽ hiệu quả hơn,đảm bảo sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo, lý luận chính trị của cấp ủy, chính quyền. Rút ngắn được quy trình từ việc lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai tổ chức thực hiện. Các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được Ban Tuyên giáo tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, không phải qua khâu trung gian như trước đây; giảm được biên chế, tinh gọn được tổ chức bộ máy, giải quyết được bất cập của Trung tâm có 2 cơ quan chủ quản (cấp ủy và Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Việc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị về Ban Tuyên giáo và Văn phòng cấp ủy cấp huyện có một số thuận lợi. Thứ nhất, cấp ủy các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Ban Tuyên giáo - Trung tâm bồi dưỡng chính trị. 13/13 Trung tâm BDCT có từ 2-3 phòng học; đầy đủ phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên và lưu trú cho học viên ở xa có nhu cầu…Trung tâm Chính trị thị xã Đông Triều được xây mới hoàn toàn với tổng diện tích khuôn viên 1 ha, kinh phí đầu tư xây dựng 13 tỷ. Thứ hai, xây dựng đề án, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn hơn. Trước khi thực hiện chuyển mô hình, Ban Tuyên giáo các địa phương có từ 4 đến 5 biên chế, Trung tâm Chính trị có từ 03 đến 04 biên chế; tổng 2 cơ quan có từ 7 đến 9 biên chế. Sau khi chuyển mô hình, sắp xếp lại các Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của Quảng Ninh có 73 đ/c (66 công chức, 7 viên chức). Thứ ba, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị được đào tạo, bồi dưỡng để có thể vừa tham mưu cho cấp ủy đồng thời đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đứng lớp của người giảng viên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình còn bộc lộ hạn chế, bất cập như: Một là, chưa thống nhất về tên của cơ quan theo mô hình mới (3/13 địa phương lấy tên gọi là Ban Tuyên giáo huyện ủy; 2/13 địa phương lấy tên gọi là Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị; một số đơn vị trong Đề án và trong Quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ đều không xác định tên rõ ràng); hai là, việc sắp xếp bộ máy, bố trí biên chế có nơi còn thiếu (địa phương bố trí biên chế ít nhất: 4 người, địa phương nhiều nhất 10 người); ba là, việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên chưa thống nhất, có địa phương trong cùng một cơ quan thực hiện chế độ công chức và viên chức; bốn là, qúa trình quản lý tài chính, cơ sở vật chất còn một số bất cập trong công tác phối hợp giữa Văn phòng cấp ủy với Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị.

Trong quá trình theo dõi việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của giảng viên, học viên về nội dung, kết cấu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như Sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho Đảng viên mới...

Qua khảo sát, nhiều ý kiến của đội ngũ giảng viên và học viên theo học tại Trung tâm Chính trị cho rằng: một số chương trình vẫn nặng về lý thuyết; nội dung chương trình so với trình độ nhận thức của học viên quá rộng, chưa có tính khái quát, chưa gắn lý luận với thực tiễn. 99,7% ý kiến học viên; 97,8 ý kiến giảng viên ủng hộ và đề xuất, kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nên cấu trúc lại, xây dựng nội dung các chương trình cho phù hợp; xây dựng khung chương trình theo hướng mở, chỉ xây dựng khung chương trình còn nội dung giao cho các cơ sở đào tạo xây dựng để gắn lý thuyết với thực tiễn, tránh lý thuyết suông. Đề nghị tích hợp một số chương trình như: Tích hợp chương trình bồi dưỡng đảng viên mới với chương trình sơ cấp. Trong chương trình Trung cấp đã có nội dung chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng cần phải đổi mới theo hướng tích hợp các nội dung trong cùng một chương trình đào tạo hoặc tích hợp các chương trình đào tạo có đối tượng học viên có điểm tương đồng để tránh sự trùng lặp, giảm bớt thời gian học tập mà vẫn đạt hiệu quả. Đối với Chương trình bồi dưỡng dành cho đảng viên mới, có các ý kiến tham gia như: bài số 4: “Đường lối và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng” gộp với bài số 7: “Chủ động hội nhập quốc tế”; bài số 5: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường” cần giảm bớt nội dung; gộp các bài số 2, 3, 4, 5, 6 thành 1 bài vì các nội dung trong các bài đều theo các nội dung của văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Từ thực tiễn đó, năm 2020 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nghiên cứu, ban hành hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc thực hiện lồng ghép, bổ sung các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng (thêm chuyên đề: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương, đơn vị; Nhận diện những quan điểm sai trái và các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội); hướng dẫn thành lập hội đồng thẩm định, kiểm tra nhận thức, xét phát triển Đảng cho quần chúng trước khi kết nạp Đảng góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Cùng với việc cập nhật thực tiễn vào nội dung học tập, giảng dạy tại các Trung tâm Chính trị, Quảng Ninh chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên trên cả 2 mặt lý luận và thực tiễn (Mở lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng kiến thức thực tế bằng cách đưa cán bộ, giảng viên tham gia làm công tác chuyên môn tại các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đi cơ sở…). Qua một năm thực hiện chủ trương này, việc tổ chức học tập lý luận chính trị, xét kết nạp Đảng tại các đảng bộ ngày càng chặt chẽ, chất lượng học tập, nhận thức của học viên ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, ý thức tự học tập, cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới” đặc biệt là mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị cấp huyện đã được xây dựng trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Kết luận số 22-KL/TU ngày 08/01/2021 về thực hiện mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị cấp huyện theo Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cụ thể: Thống nhất về tên gọi; về con dấu và sử dụng con dấu; về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách; về quản lý tài chính, cơ sở vật chất, kế toán... cho hệ thống Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của tỉnh. Kết luận số 22-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chìa khóa để giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của tỉnh trước đây. Qua đó, một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện trong công tác giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Đây cũng là kết quả của sự không ngừng đổi mới, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng vào từng lĩnh vực thực tiễn của địa phương, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng “Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” trở thành “một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

Hoàng Đại Dương

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/quang-ninh-doi-moi-cong-tac-boi-duong-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-tai-cac-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-132226