Quảng Ninh đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới

Thực hiện nghiêm túc quan điểm, tinh thần, yếu tố cốt lõi của Nghị quyết số 29 năm 2013 của BCH TƯ về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế', ngành GD&ĐT cũng như các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đi đúng lộ trình, đạt được các mục tiêu đề ra, từng bước tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển nhanh, vững chắc của Quảng Ninh và đất nước.

Các bé của Trường Mầm non Quốc tế Hạ Long học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.

Các bé của Trường Mầm non Quốc tế Hạ Long học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.

Mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 29 của TW đề ra là: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Cùng với đó là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động với nội dung, mục tiêu và lộ trình cụ thể. Tỉnh đã thuê những tư vấn hàng đầu thế giới lập 7 quy hoạch chiến lược, trong đó có Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Quy hoạch là: Xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, chất lượng nhân lực cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ đến năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2030: Quảng Ninh sẽ là một địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế, đáp ứng hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Quảng Ninh đã đặc biệt ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí mà Quảng Ninh chi cho GD-ĐT là xấp xỉ 22 nghìn tỷ đồng, tăng 61% so với giai đoạn 2011-2015.

Tiết học tiếng Anh với người nước ngoài của trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Hạ Long, TP Hạ Long.

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, GD&ĐT của Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, phát triển bứt phá. Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, công tác giáo dục đào tạo của Quảng Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Quy mô trường lớp được mở rộng.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học hiện nay đạt 86,5%. Trình độ giáo viên trên chuẩn ở cấp mầm non đạt 73,70%; cấp tiểu học đạt 98.43%; cấp THCS đạt 80,99%; cấp THPT đạt 24,27%; GDTX trên chuẩn 17,92%.

Phát huy vai trò nòng cốt, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành giáo dục của Quảng Ninh đã luôn đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu, từ đó tập trung chỉ đạo tốt việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Song song đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi, trong đó chú trọng các hoạt động ngoại khóa, nhằm hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho người học.

Tiết học của cô và trò Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường; đặc biệt chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90%, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%, số sinh viên/vạn dân cao hơn mức trung bình cả nước.

GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tin rằng, với những kết quả đã đạt được, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đi đúng lộ trình, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh và đất nước nhanh và vững chắc.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/tien-toi-dai-hoi-dang-toan-quoc-quang-ninh-doi-moi-giao-duc-dap-ung-yeu-cau-moi-2504240/