Quảng Ninh họp trực tuyến chỉ đạo trực tiếp đến người chăn nuôi

Ngày 15-3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp đến 14/14 địa phương; bên cạnh việc triệu tập cán bộ lãnh đạo tại các huyện, xã, UBND tỉnh yêu cầu địa phương mời đại diện các hộ chăn nuôi lợn tham dự, qua đó chỉ đạo trực tiếp đến các hộ dân khẩn trương tăng cường các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lực lượng chức năng TP Uông Bí tổ chức chôn hủy lợn bị dịch tả Châu Phi.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 16 giờ ngày 14-3, toàn tỉnh đã xuất hiện bảy ổ dịch ở bảy xã, phường của bốn huyện, thị xã, thành phố (với 197 con lợn bị bệnh buộc phải chôn hủy với tổng trọng lượng 2.844 kg). Toàn bộ quy trình chôn hủy đều được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định, tại một số điểm tiêu hủy như TP Uông Bí, lực lượng chức năng tiêu hủy số lợn chết chưa đúng quy trình, cụ thể là quá trình rắc vôi bột và phun hóa chất… qua đó rà soát lại toàn bộ quy trình trên toàn tỉnh để tránh lặp lại ở các địa phương khác.

Tính đến 11 giờ sáng 15-3, tại 14/14 địa phương đã thành lập 11 chốt liên huyện; tại các ổ dịch đã bùng phát có 16 chốt; đã kiểm soát được 317 phương tiện, vận chuyển 11.724 con lợn, phát hiện 12 xe vận chuyển 363 con lợn không đầy đủ giấy tờ, phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát; các địa phương trong tỉnh đã cấp 8.144 lít hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại và 122.950 kg vôi bột.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng, tại một số địa phương còn chủ quan trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền. Đây là một loại dịch nguy hiểm chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc chữa. Các địa phương chưa xuất hiện dịch còn lại toàn tình hoàn toàn có nguy cơ bùng phát ổ dịch. Do vậy, cần sớm triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm tránh bùng phát thêm ổ dịch mới, hạn chế tối đa yếu tố lây lan ổ dịch sang địa phương khác, đặc biệt phải nâng cao nhận thức của người dân trước loại dịch bệnh này. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động nguồn ngân sách phụ vụ cho công tác dập dịch.

Nhận định trong thời gian tới vẫn có nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch mới trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ngành có liên quan cấp bách triển khai công điện khẩn đã ban hành từ ngày 14-3 nhằm đồng bộ các biện pháp phòng chống với mục tiêu quyết tâm không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn.

Với sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng những biện pháp quyết liệt, tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm và nỗ lực ngăn chặn và dập dịch hiệu quả nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

* Chiều 15-3, trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân điện tử, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, xác nhận: Trên địa bàn huyện Mường Ảng đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch và khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh.

Địa bàn xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi ở huyện Mường Ảng là bản Huổi Cắm, thuộc xã Búng Lao. Từ ngày 5-3, một gia đình ở bản Huổi Cắm có hai con lợn chết nhưng vì không có thông tin về dịch tả lợn trên địa bàn nên người dân vẫn mổ lợn ăn và chia cho mọi người trong bản. Đến ngày 10-3, số lợn ốm chết của bản Huổi Cắm tăng nhanh nên người dân đã báo cáo xã và UBND huyện.

Ngày 12-3, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên lấy hai mẫu bệnh phẩm ở bản Huổi Cắm và thị trấn, gửi xét nghiệm. Ngày 14-3, có kết quả với một mẫu bệnh phẩm của bản Huổi Cắm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhận kết quả trên, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Búng Lao phối hợp thống kê toàn bộ số lợn của bản Huổi Cắm; đồng thời tiêu hủy ngay số lợn ốm, chết. Đến chiều ngày 15-3, huyện đã hoàn thành tiêu hủy 17 con lợn (trong đó tám con chết, chín con ốm nặng). Song đáng lo ngại là, nhiều gia đình ở bản Huổi Cắm thả rông lợn trên rừng nên công tác khoanh vùng, dập dịch sẽ khó khăn hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng,Nguyễn Hữu Hiệp vận động người dân bản Huổi Cắm đem lợn đi tiêu hủy. (Ảnh: LÊ LAN)

Theo rà soát của UBND huyện Mường Ảng, toàn bản Huổi Cắm có 80 gia đình, trong đó có 43 gia đình nuôi 112 con lợn. Cơ quan chuyên môn huyện Mường Ảng cho rằng, nguyên nhân gây bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Huổi Cắm là do một người trong bản có đem thịt lợn từ bản Bon A, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo về từ ngày 1-3. Sau đó, chính gia đình này có hai con lợn bị chết vào ngày 5-3, nhưng người dân lại mổ thịt chia cho các nhà trong bản. Vì thế, bệnh lây lan nhanh ra đàn lợn.

UBND huyện Mường Ảng cũng chỉ đạo, các phòng, ban chuyên môn, tăng cường cán bộ về bản Huổi Cắm, xã Búng Lao tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguyên nhân và cách phòng chống bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này toàn tỉnh Điện Biên có hai huyện ghi nhận bệnh dịch tả lợn châu Phi là Mường Ảng và Tuần Giáo. Trước đó, ngày 7-3, UBND huyện Tuần Giáo đã công bố dịch trên địa bàn ba xã: Rạng Đông, Ta Ma, Mường Mùn. Đến ngày 12-3, lại có thêm hai ổ dịch ở xã Mùn Chung. Đến 16 giờ ngày 13-3, toàn huyện Tuần Giáo đã tiêu hủy 56 con lợn của 30 gia đình ở 12 bản thuộc bốn xã với tổng trọng lượng 2.018kg.

* Đến thời điểm này tại Thanh Hóa, các ổ dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh ở 11 xã thuộc hai huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Mặc dù tỉnh đã chủ động phòng, chống, nhưng dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, vẫn phát sinh lợn ốm, chết và tám mẫu bệnh phẩm gửi đi phân tích chưa có kết quả.

Sau ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên đàn lợn nuôi tại trang tại của chủ hộ Lê Văn Thanh, ở cụm chăn nuôi thuộc thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, đến thời điểm này bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 24 hộ, 13 thôn, 11 xã thuộc huyệnYên Định và huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Các địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy 663 con lợn, tổng trọng lượng gần 33 tấn.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, bảo vệ đàn lợn nuôi ở huyện Yên Định. (Ảnh: MAI LUẬN)

Thanh Hóa có tổng đàn hơn 800 nghìn con lợn nuôi trong hơn 19 nghìn hộ gia đình, gia trại và 453 trang trại, 14 doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa mới chỉ tự đáp ứng được 30-35% nhu cầu chăn nuôi, nên phần lớn lượng thức ăn công nghiệp du nhập từ tỉnh bạn, trong đó có tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Thêm nữa, lưu lượng phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm theo các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh khá lớn. Do đó, mặc dù Thanh Hóa đã chủ động thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào địa bàn, dần lan ra ở nhiều thôn, xã và diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, vẫn có địa phương trong tỉnh chưa sâu sát trong thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thậm chí có nơi, một số vật tư phục vụ phòng, chống dịch chưa chuẩn bị chu đáo. Việc tuyên truyền về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, chưa đến được các hộ chăn nuôi....

Mặt khác,chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Huyện Thiệu Hóa có 20.432 con lợn, 12.232 con trâu bò, 650 nghìn con gia súc gia cầm, đến ngày 13-3 các địa phương đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho 6.120 con lợn, 5.027 con trâu, bò, 41.500 con gia cầm. Cùng với việc huy động các tầng lớp nhân dân ra quân làm vệ sinh cơ giới, cuối tháng 2, huyện Thiệu Hóa đã cấp cho các xã, thị trấn 756 lít hóa chất thực hiện phun tiêu độc, khử trùng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa, Đặng Văn Hiệp cho biết: Chi cục đã cung ứng 17.592 lít hóa chất cho 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng diện rộng và các địa phương trong tỉnh đang tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, phấn đất đạt tỷ lệ hơn 80%. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã huy động gần 52 nghìn lít hóa chất, hơn 170 tấn vôi bột cho công tác phòng, chống dịch.

Với tổng đàn nuôi hơn 800 nghìn con lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng sẽ gây tổn thất không nhỏ về kinh tế đối với nông hộ và ngành chăn nuôi. Hiện Thanh Hóa đang chủ động tăng thời lượng, tuyên truyền phòng chống bệnh tả lợn châu Phi trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh phương thức tuyên truyền trực tiếp, cấp phát tờ rơi, lồng ghép trên các diễn đàn hội nghị.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Viết Thái, trước mắt, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh, các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh để bao vây, dập dịch. Thêm vào đó, Trung ương mới ban hành chính sách tiêu hủy lợn bị bệnh bằng 80% giá trị trường, và cấp cho tỉnh Thanh Hóa 36 tấn hóa chất phục vụ phòng, chống, ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. Hiện Sở đã thành lập các đoàn công tác tăng cường đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, bảo đảm phòng chống, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả cao nhất.

QUANG THỌ; LÊ LAN; MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39509502-quang-ninh-hop-truc-tuyen-chi-dao-truc-tiep-den-nguoi-chan-nuoi.html