Quảng Ninh: Khu di tích Bạch Đằng được đầu tư xứng tầm

Nhằm khơi dậy, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đầu tư gần 800 tỷ đồng (đến năm 2025) triển khai Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 322//QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh với diện tích 380 hécta bao gồm 11 điểm di tích đình, đền, miếu, bãi cọc... và khu vực bảo vệ, dịch vụ.

 Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên chữ là đền Bạch Đằng) nằm trên đồi đất xưa kia là lòng sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận thủy chiến năm 1288, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di lích lịch sử quốc gia năm 1989

Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên chữ là đền Bạch Đằng) nằm trên đồi đất xưa kia là lòng sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận thủy chiến năm 1288, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di lích lịch sử quốc gia năm 1989

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh việc triển khai Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Theo đó, công tác đầu tư và phân kì đầu tư Dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) đầu tư hơn 206 tỷ đồng cho các hạng mục như: Giải phóng mặt bằng, khảo cổ, phục hồi di sản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xây dựng trung tâm trưng bày…; Giai đoạn 2 (2020-2025) đầu tư hơn 543 tỷ đồng cho các hạng mục như: Giải phóng mặt bằng, khảo cổ (giai đoạn 2), phục hồi di sản (giai đoạn 2), xây dựng công trình trưng bày ngầm di tích gốc bãi cọc Yên Giang, xây dựng biểu tượng - tượng đài chiến thắng Bạch Đằng, bảo tồn môi trường sinh thái bãi triều và phát triển cây bản địa …

Miếu Vua Bà, bến đò Rừng và cây Quếch cổ là nơi gắn liền với bà bán hàng nước và những dấu ấn, chiến tích về Trần Hưng Đạo

Bà Vũ Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mang đậm những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh, thể hiện hào khí và niềm tự hào một thời của dân tộc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên đã tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan cân đối kinh phí đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án giai đoạn 1 theo lộ trình đã được phê duyệt. Đồng thời đẩy mạnh việc mời gọi các doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa, sớm triển khai đầu tư hai hạng mục quan trọng của Dự án là Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo và Khu bảo tồn di tích bãi cọc Bạch Đằng để phục vụ khách thăm quan, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có 11 điểm di tích gồm: Bãi cọc Yên Giang, phát hiện năm 1953, thuộc khu đầm Nhử phường Yên Giang, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1988; Bãi cọc đồng Vạn Muối, phát hiện năm 1995, thuộc khu đầm Vạn Muối phường Nam Hòa, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2007; Bãi cọc đồng Má Ngựa, khai quật năm 2010, thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2012; Đền thờ Trần Hưng Đạo (hay còn gọi đền Bạch Đằng); Miếu Vua Bà (thờ bà bán hàng nước, người có công trong việc cung cấp lịch con nước triều và địa thế lòng sông cho Trần Hưng Đạo); Bến đò Rừng; Đền Trung Cốc; Miếu Cu linh; Đình Trung Bản, Đền Công và Yên Giang.

Hai cây lim Giếng Rừng là dấu tích về khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng ngày 8/3/1288

Hàng năm, vào ngày 6 đến 9/3 Âm lịch, tại các điểm thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, sẽ diễn ra các hoạt động của Lễ truyền thống Bạch Đằng (hay còn gọi là ngày “giỗ trận” ) nhằm tri ân công đức của Trần Hưng Đạo, quân và dân ta, từ đó nhằm khơi dậy, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh.

Năm 2018, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đón 215 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 2,8 tỷ đồng. Trong 5 tháng 2019, có 125 nghìn lượt khách đã thăm quan tại đây, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng.

Vũ Ba

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/van-hoa/quang-ninh-khu-di-tich-bach-dang-duoc-dau-tu-xung-tam-300594.html