Quảng Ninh: Lễ hội Đình Trà Cổ - Đậm đà bản sắc văn hóa nơi miền biên ải

Lễ hội Đình Trà Cổ mang bản sắc văn hóa nới miền biển ải, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị, nét đẹp văn hóa tạo nên sự gắn kết, hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hóa tâm linh, làm cho Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Từ ngày 28/6 đến ngày 01/7/2022, TP Móng Cái sẽ tổ chức Lễ hội đình Trà Cổ. Đây là lễ hội truyền thống, được duy trì tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đình Trà Cổ tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Theo những ghi chép cũ, đình Trà Cổ được hình thành từ thời Hậu Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn sừng sững, hiên ngang như một cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa Việt nơi biên ải.

Toàn cảnh đình Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh).

Lễ hội đình Trà Cổ là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức tại đình Trà Cổ với nghi thức lễ rước thần trên biển, rước cây đèn thần và mâm hoa quả; đóng cây cai đám, gọi sổ bìa xanh; lễ rước cỗ của các ông Đám đương nhiệm, lễ đại tế, lễ cất cây cai đám, gọi danh sách ông Đám mới...

Lễ hội đình Trà Cổ năm 2022 là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện trong chương trình kích cầu du lịch của thành phố Móng Cái nói riêng và Tỉnh Quảng Ninh nói chung năm 2022. Thông qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị, nét đẹp văn hóa của đình Trà Cổ, giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích Quốc gia đình Trà Cổ và nét đẹp di sản văn hóa thành phố Móng Cái.

Lễ hội được diễn ra từ 13h00, ngày 28/6 đến 12h00 ngày 01/7/2022, tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đình Trà Cổ và các khu vực phụ cận thuộc Khu du lịch Trà Cổ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Lễ rước thần trên biển của hội đình Trà Cổ đi qua bãi biển trữ tình nhất Việt Nam.

Ngày 28/6 (tức ngày 30/5 âm lịch) tất cả mọi người trong ban hành lễ cùng với 12 ông Cai Đám đã được chọn sẽ có mặt tại đình, tập trung báo cáo các vị thần, tiên tổ làm lễ Mộc Dục trong đình.

Chiều ngày 28/6, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải Nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải Nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Cúng xong, túm lông này sẽ được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình.

Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giành giải Nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi.

Theo tín ngưỡng của người Trà Cổ, “Ông Voi” được coi là linh vật của thần.

Ngày thứ 2 của lễ hội cũng là ngày chính hội (ngày 1/6 âm lịch) người dân sẽ làm lễ Nghinh Thần. Đây là lễ hội quan trọng, cũng là trọng tâm trong lễ hội. 12 ông Cai Đám cùng người dân sẽ “rước” Thành Hoàng Làng từ đình Trà Cổ ra miếu bên bờ biển rồi rước lại về đình. Việc rước thần này mang ý nghĩa mong các vị thần che chở cho ngư dân đi biển thuận lợi, may mắn và phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an. Sau các nghi lễ, gia đình các ông Cai Đám có thể giữ lại Ông Voi nuôi tiếp hoặc giết thịt khao họ hàng, làng xóm. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi đan lưới, kéo co, đi cà kheo, viết thư pháp, nhảy bao bố...

Đến tối, các vị chức sắc, ban tế lễ và 12 ông Cai Đám sẽ thực hiện nghi lễ đóng cây Cai Đám. Nghi lễ này mang ý nghĩa thông báo ngày Hội chính thức bắt đầu. Các ông Cai Đám sau khi thực hiện nghi lễ thì không được phép trở về nhà cắt cử nhau trong coi đình trong những ngày tiếp theo.

Ngày thứ 3 của lễ hội đình Trà Cổ, gia đình 12 ông Cai Đám cũ phân công nhau làm cỗ với đầy đủ trầu cau, hoa quả để rước về đình làm lễ tế Thần. Các phần cỗ chay, cỗ mặn sau khi tế lễ xong sẽ được thụ lộc ngay tại đình để tất cả mọi người cùng thưởng thức.

Nghi lễ cất cây Cai Đám và gọi sổ bìa xanh được thực hiện vào buổi tối ngày thứ 3. Cây Cai Đám sẽ được đưa từ trong đình ra cửa đình, đoàn người rước cây Cai Đám vừa đi vừa chúc Thánh cầu mong cho mọi việc tốt lành, dân làng vui vẻ, phúc lộc đầy nhà. Sau đó tới lễ “gọi sổ bìa xanh” để kiểm tra lại số dân đinh cũ, bổ sung dân đinh mới, bầu chọn ra 12 ông Cai Đám mới cho lễ hội đình Trà Cổ năm sau, các tục lễ lại tiếp diễn như vậy.

Ngày cuối hội (tức ngày 1/7) là ngày làm lễ tiễn đưa cây đèn thần, báo hiệu lễ hội kết thúc. Cây đèn đó là ngọn đèn thờ Thần trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Trong những ngày lễ hội, 12 ông Cai Đám ngoài túc trực coi đình thì còn phải giữ cho đèn luôn được sáng. Người dân quan niệm đây là ngọn đèn đưa đường, chỉ lối, thắp sáng cho ý nguyện của nhân dân. Khi đèn được đưa từ trong đình ra ngoài thì đó cũng là thông báo cho lễ hội đã kết thúc.

Lễ hội đình Trà Cổ năm nay với quy mô lớn hơn và do TP Móng Cái đứng ra tổ chức. Theo lãnh đạo TP Móng Cái, trong quy hoạch về định hướng phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh cũng như định hướng phát triển KT-XH TP Móng Cái những năm tới, Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với tiềm năng là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là bãi biển trữ tình nhất Việt Nam cùng đình Trà Cổ, bia lưu niệm Bác Hồ, mũi Sa Vĩ... sẽ tạo nên sự gắn kết, hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hóa tâm linh, làm cho Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Nguyễn Quang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/quang-ninh-le-hoi-dinh-tra-co--dam-da-ban-sac-van-hoa-noi-mien-bien-ai-d182734.html