Quảng Ninh: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách với đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, bộ mặt nông thôn miền núi được đổi mới; đời sống đồng bào được cải thiện, bắt nhịp cùng sự phát triển chung của tỉnh.

Quảng Ninh hiện có 113/186 xã có vùng người dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 17 xã thuộc khu vực III, 32 xã khu vực II, gồm 21 dân tộc khác nhau, với trên 143.000 người, chiếm 12,5% dân số và hơn 85% diện tích của tỉnh. Vùng đồng bào dân tộc sinh sống có vị trí rất quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Những năm qua, Quảng Ninh đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai nhiều chương trình như Chương trình 135; đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn.

Các chương trình, chính sách phối hợp lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới…

Nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình dân tộc thiểu số được nhân rộng - Ảnh Hà Thanh.

Theo thống kê, riêng năm 2017, tổng nguồn lực từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là 1.297 tỷ đồng. Trong đó tập trung cho đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; hỗ trợ vay vốn tín dụng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, 95% số hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia. Các điểm dân cư có từ 20 hộ trở lên đã có điện lưới; trên 96,5% số người dân tộc thiểu số của tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Các đơn vị chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, nâng cao nhận thức cho người lao động, trong đó tập trung vào các xã khó khăn, xã có đông đồng bào là người dân tộc thiểu số tại 6 xã thuộc huyện Hải Hà và 7 xã của huyện Đầm Hà. Đồng thời phối hợp với chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Ngoài ra, còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Đầm Hà, Hoành Bồ, Bình Liêu; xây dựng chính sách thu hút lao động vào làm việc tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách đặc thù tới các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số…

Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đổi mới; cơ sở hạ tầng được cải thiện; chương trình giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần ổn định và nâng cao. Nếp sống văn hóa được duy trì, thuần phong mỹ tục được giữ gìn; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tập quán canh tác quảng canh sang thâm canh; đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi; thực hiện các biện pháp chống hạn, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, giảm thiểu những thiệt hại do thời tiết và dịch bệnh gây ra.

Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được phổ biến; nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Kinh tế chuyển biến tích cực, thu nhập của người dân tăng cao.

Nhiều sản phẩm OCOP vùng dân tộc, miền núi trước đây chỉ phục vụ tiêu dùng nội bộ nay bước đầu đã gia nhập thị trường như: trà hoa vàng, miến dong, măng mai, mật ong...

Nguyễn quân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/quang-ninh-no-luc-thu-hep-khoang-cach-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-49850