Quảng Ninh phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Thời gian gần đây việc bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 'Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh' đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong công tác này.

Tô sáng bức tranh ngành thủy sản

Theo thống kê, tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 419 loài sinh vật phù du, 181 loài san hô, 156 loài cá, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn; thực vật, động vật phù du, động vật đáy biển… Với sự đa dạng thủy sinh ấy, ngành thủy sản luôn là một trong những mũi nhọn phát triển của Nông nghiệp Quảng Ninh với sản lượng tăng cao qua các năm. Từ năm 2015-2018, sản lượng khai thác thủy sản gần bờ của tỉnh đã lên đến 30.000 tấn/năm.

Nhưng đằng sau những con số ấn tượng ấy, chính ngư dân và các nhà lãnh đạo đã nhìn ra một thực tế rằng: Nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Bởi lẽ, sản lượng thủy sản trên đã vượt quá sản lượng cho phép khai thác của ngư trường; gấp gần 2 lần mức sản lượng cân bằng vùng ven biển toàn tỉnh do cơ quan chức năng tính toán (18.000 tấn/năm). Và những con số tăng trưởng ấn tượng kia có thể trở về mức âm, nhiều loài có nguy cơ biến mất hoàn toàn nếu không có một hành động quyết liệt ngay lúc này.

Vì vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 18-CT/TU ra đời, có thể thấy một sự quyết liệt trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Không còn đơn thuần là 1 địa phương, 1 ngành chức năng thực hiện riêng lẻ, mà cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc. Cách thức triển khai cũng đồng bộ, kết hợp hiệu quả giữa việc tăng cường tuyên truyền thông tin đến người dân và các biện pháp rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhờ vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản bước đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhận thức của đông đảo người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đã có sự chuyển biến rõ rệt, đã có nhiều hành động, việc làm tích cực trong giải cứu, thả về tự nhiên các loài thủy sinh vật quý hiếm. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Một số đơn vị, địa phương như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TX Quảng Yên, huyện Hải Hà, TP Cẩm Phả đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị, buổi đối thoại để giải thích, vận động ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ..

Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã được siết chặt. Toàn tỉnh đã xử phạt 4.631 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu phạt nộp ngân sách nhà nước khoảng 22,9 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều ngư cụ tận diệt...

Đáng nói, nhiều hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản được thực hiện. Đến nay đã thả trên 11,3 triệu con giống tôm, cua, cá… các loại về môi trường tự nhiên, thả 43 triệu con giống thủy sản các loại tái tạo, bổ sung nguồn lợi cho Vịnh Bắc Bộ. Cùng với đó, các ngành chức năng đã thực hiện Dự án quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần với tổng diện tích quy hoạch trên 18.414 ha; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen, nhân giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh…

Tháng 12/2019, huyện Đầm Hà, tổ chức tiêu hủy 430 bộ lờ dây. Đây là ngư cụ do ngư dân tự nguyện giao nộp từ tháng 10/2019 theo Chỉ thị 18. Ảnh: Quốc Nghị (CTV)

Cùng với những hành động quyết liệt kể trên, thực hiện Chỉ thị 18, các đơn vị, địa phương cũng đã thống kê, rà soát tàu cá trong toàn tỉnh để xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ. Đến nay đã tổng hợp được danh sách 1.277 chủ tàu hoạt động nghề cấm tại các địa phương trong tỉnh, chuyển đổi nghề cho 951 chủ tàu và hộ ngư dân với khoảng 3.340 lao động…

Quyết tâm tái tạo ngư trường “xanh”

Việc xây dựng một ngư trường “xanh” với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú không chỉ là tâm niệm và trăn trở của các thế hệ lãnh đạo, mà đó cũng là mong ước của hàng nghìn hộ ngư dân coi “biển là nhà”. Tuy nhiên, chặng đường thực hiện Chỉ thị 18, để tái tạo một ngư trường “xanh” và bền vững còn không ít khó khăn. Bởi lẽ, vùng biển Quảng Ninh trải rộng với nhiều đảo, bến bãi, vịnh, luồng lạch, trong khi, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản mỏng, chỉ có hơn 20 cán bộ để quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu thuyền trên biển. Ngoài ra, do Tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên các đối tượng có điều kiện thuận lợi trong việc du nhập các phương pháp, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, vẫn còn tàu cá chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm.

Trong nhiều năm qua, sản lượng khai thác thủy sản tăng lên theo từng năm, tuy nhiên trữ lượng nguồn lợi thủy sản lại suy giảm nhiều so với vài thập kỷ trước, dẫn đến ngư dân thường xuyên sử dụng nghề cấm, ngư cụ cấm để tăng sản lượng khai thác thủy sản bất chấp các quy định cấm hiện hành. Từ đó, gây sức ép lớn cho nguồn lợi và môi trường thủy sản tại vùng biển ven bờ và khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tàu khai thác thủy sản tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

Theo Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thời gian gần đây, kết quả phát hiện xử lý vi phạm thực hiện Chỉ thị số 18 có chiều hướng chững lại. Nguyên nhân một phần do các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc các lực lượng chức năng, địa phương không giữ được tần suất kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản như thời gian trước. Hạn chế này xuất phát từ việc thiếu nguồn kinh phí dành cho các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn thiếu, một số chưa theo kịp với thực tế phát triển nghề khai thác thủy sản hiện nay.

Tuy nhiên, trước những khó khăn ấy, chúng ta càng thấy sự kịp thời và quyết liệt của Chỉ thị 18, thấy được quyết tâm của cả hệ thống chính trị khi “tuyên chiến” với nạn khai thác thủy sản hủy diệt. Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách có liên quan đến quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thì công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải được ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, việc thanh tra, kiểm soát phải được xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi, chỉ có quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp mới tạo được áp lực mạnh trong việc giảm thiểu số lượng phương tiện làm nghề cấm. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; tiếp tục bố trí nguồn kinh phí, nhân lực, trang sắm tàu xuồng, trang thiết bị công cụ hỗ trợ, tại các địa phương, đơn vị chức năng. Cùng với đó, sớm trình UBND tỉnh thành lập lực lượng Kiểm ngư Quảng Ninh trực thuộc Chi cục Thủy sản, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trong tình hình hiện nay.

Con tàu vươn khơi Hoàng Sa, Trường Sa của anh Dương Văn Tập, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đóng mới theo Nghị định 67.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương với các Hiệp hội, Hội nghề cá, Giáo hội Phật giáo tỉnh, các Nghiệp đoàn nghề cá... nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa đóng góp cho công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước giảm sự phụ thuộc từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động này.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU mới đây, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định quyết tâm của Quảng Ninh trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Đồng chí yêu cầu các địa phương, lực lượng chuyên trách rà soát lại đội ngũ nhân sự; chấn chỉnh lại hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm và cơ chế tiếp nhận xử lý, phản hồi thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông trên các hạ tầng của tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân. Các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc tích cực hơn nữa. Các ngành, chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi nghề và đánh giá lại hiệu quả sau chuyển đổi nghề để có giải pháp hỗ trợ giai đoạn tới. Cục Quản lý thị trường triển khai chuyên đề kiểm tra đột xuất các ngư lưới cụ không rõ nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm, kiên quyết không gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu liên tục vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 18 với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng và các địa phương, bức tranh của ngành thủy sản đã có những gam màu sáng. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng thời giúp cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc; góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt 131.168 tấn, trong đó: Nuôi trồng đạt 63.832 tấn, khai thác đạt khoảng 67.336 tấn; giá trị xuất khẩu đạt 89 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 57.398 lao động; trong đó trên 50% lao động nghề qua đào tạo nghề (trong đó 40% lao động có chứng chỉ); chủ động sản xuất được các giống chủ lực, đáp ứng nhu cầu của tỉnh.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/quang-ninh-phat-trien-ben-vung-nguon-loi-thuy-san-2488604/