Quảng Ninh (Quảng Bình): Mòn mỏi chờ xử lý xe quá tải băm nát đường giao thông nông thôn

Tuyến đường liên xã Xuân Ninh - Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) sau nhiều năm chịu đè nén từ hàng vạn lượt xe tải trọng lớn đã dần 'xuống sức'. Sửa chữa cục bộ hay làm đường tránh là giải pháp đặt ra cho chính quyền sở tại.

Xe vận tải di chuyển chậm chạp qua đường giao thông nông thôn Xuân Ninh - Trường Xuân.

Áp lực từ các khai trường

Những năm qua, ngành khai thác khoáng sản đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Tuy vậy, theo phản ánh của bạn đọc và nhiều cử tri, bên cạnh hiệu quả thấy rõ từ các khai trường khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường thì mặt trái hiện hữu là ô nhiễm môi trường và gây hư hại hạ tầng giao thông ở những địa phương có mỏ khoáng sản.

Tuyến đường liên xã Xuân Ninh - Trường Xuân, huyện Quảng Ninh có chiều dài khoảng 10km. Trên tuyến đường này, chúng tôi dễ bắt gặp những xe tải chở đầy đá hộc xanh, đá dăm, bê-tông nhựa “lặc lè” bươn mình qua lớp áo đường đã hư hại. Theo thống kê nhanh của nhiều hộ dân sinh sống ven đường, mỗi ngày có cả trăm chuyến xe như vậy đi lại trên tuyến đường này. Với áp lực như vậy, mặt đường vốn đã hư hại, nay lại càng nham nhở hơn.

Ông Nguyễn Văn Bình - thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân cho biết: “Trước đây tuyến đường này không bị hư hại kiểu này, chỉ khoảng 3 năm gần đây, khi cơ quan quản lý đặt biển hạn chế chiều cao, cũng như xe tải trọng lớn khi qua cầu Rào Đá thì các tài xế điều khiển xe chạy vòng qua đây để vào các mỏ đá. Với hàng trăm xe ra vào mỗi ngày, có những chiếc tải trọng lên đến hơn 40 tấn, tuyến đường này dần dần hư hại, nhiều khối bê-tông đã đứt gãy. Bên cạnh tiếng ồn từ động cơ, thì bụi đường cũng bay vào khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Người dân đã kiến nghị chính quyền nhiều lần, nhưng chưa thấy hướng xử lý triệt để”.

Mặt đường nứt gãy, nền đường bị lún tại vô số vị trí.

Anh Hồ Văn Sơn - thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cũng thẳng thắn cho hay: “Đường Xuân Ninh - Trường Xuân đoạn giao cắt với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông thường xuyên chịu áp lực từ các xe tải nặng, nhiều chiếc vượt tải, đã gây nứt gãy các mảng bê-tông, mặt đường bị “băm” liên tục. Mùa nắng các phương tiện làm khói bụi, mùa mưa thì làm vấy bẩn. Bên cạnh việc chặn đá hộc không cho xe lưu thông vào các năm 2017 - 2018, thì người dân đã báo cáo đại biểu HDND huyện, tỉnh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Chính quyền cho biết phía các doanh nghiệp khai thác mỏ đã có cam kết sửa chữa lại mặt đường”.

Theo báo cáo từ UBND xã Trường Xuân: Trên địa bàn xã có 4 điểm mỏ khai thác đá vôi, 1 trạm trộn nhựa đường, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ra vào các mỏ, có nhiều chiếc vượt tải. Tuyến đường này hẹp, chạy qua nhiều công trình quan trọng của xã như: Trường Mầm non Trường Xuân, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trường Xuân, trường THCS Trường Xuân, UBND xã Trường Xuân và Trạm Kiểm lâm Trường Xuân... Cư dân có phản ánh với chính quyền cấp xã, cấp huyện về tình hình hư hỏng mặt đường, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Sửa rồi lại hỏng, cần một giải pháp cấp thiết

Ông Phạm Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định với phóng viên rằng: Đường vào khu vực xã hỏng thì đã thấy rõ, gần 10 năm nay xuống cấp từng ngày; chính quyền cấp trên cũng đã chi ngân sách 500 triệu đồng để sửa chữa lại tuyến đường liên xã Xuân Ninh - Trường Xuân này. Nhưng sửa xong được một thời gian thì mặt đường lại tái diễn hư hỏng, với hàng trăm chiếc xe tải trọng lớn mỗi ngày như vậy, mặt đường hư hại là điều không tránh khỏi. Đặc thù của địa phương có nhiều mỏ khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng, kéo theo đó là áp lực lên kết cấu hạ tầng giao thông và khâu quản lý.

Dàn xe trọng tải lớn ra vào các mỏ đá hàng ngày.

Trước tình trạng xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên khiến tuyến đường này xuống cấp, UBND xã Trường Xuân đã làm việc với 4 doanh nghiệp khai thác mỏ tại đây gồm: Cty Hòa Phát, Cty Thục Linh, Cty Thế Thịnh 7 và Xí nghiệp khai thác đá Bình Lợi yêu cầu các đơn vị này phải có trách nhiệm tu sửa đường và tưới nước chống bụi thường ngày.

Tuy vậy, theo tìm hiểu qua dân cư địa phương và giới quản lý, tưới nước chống bụi thì doanh nghiệp có làm, còn việc bàn định phương án tu sửa đường và sửa chữa thực tế thì phía 4 doanh nghiệp chưa thấy có động thái gì. Theo dân cư, phía doanh nghiệp chưa có ai đứng ra làm chủ, quán xuyến việc sửa chữa này nên phương án tu sửa gần như bị bỏ ngỏ.

Áo đường hư hỏng, người dân điều khiển phương tiện khó khăn.

Bà Trần Thị Xuyến (80 tuổi) chia sẻ: “Dù tuổi cao, nhưng tôi vẫn cùng con cháu thường xuyên lễ chùa Kim Phong chiêm bái, lấy nước giếng Tiên về dùng. Gần đây, sát cạnh khu vực núi Thần Đinh thuộc xã Trường Xuân có mỏ đá vôi, hàng ngày công trường vẫn cho nổ mìn cắt đá, tiếng động khá lớn. Ngay chân núi, xe vận tải chở đá thường xuyên chạy qua tuyến đường chật hẹp, hiện đã thấy đường xuống cấp từng ngày. Nếu được, chính quyền nên hạn chế phương tiện qua khu vực núi Thần Đinh, để tập trung khai thác du lịch”.

Theo UBND xã Trường Xuân, để tuyến đường liên xã Xuân Ninh - Trường Xuân trở về trạng thái như ban đầu thì có hai giải pháp, một là phía doanh nghiệp phải chủ động tu bổ ngay hoặc là UBND tỉnh đầu tư tuyến đường tránh cho khu vực này.

Nhất Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/quang-ninh-quang-binh-mon-moi-cho-xu-ly-xe-qua-tai-bam-nat-duong-giao-thong-nong-thon.html