Quảng Ninh tập trung cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư, thành lập Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư (IPA) trực thuộc UBND.

Cán bộ tư pháp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Cán bộ tư pháp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Thay đổi quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư “từ trên xuống thay vì từ dưới lên”, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư (từ 25 ngày xuống còn bảy ngày, có trường hợp chỉ trong một ngày); xây dựng chính quyền điện tử; thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 14 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện, liên kết đến cấp xã.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh trên tất cả sáu nội dung, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm yêu cầu ba giảm: thủ tục, thời gian, chi phí. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cả 3 cấp của tỉnh đạt 1.674 dịch vụ công trong số 1.805 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 90,49%); chuẩn hóa, tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ bốn bước “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại các trung tâm hành chính công; 183 trong số 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư đồng bộ; đưa vào sử dụng 239 điểm cầu trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã.

Thời gian tới, Quảng Ninh xác định, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là giải quyết kịp thời các thủ tục về quy hoạch, đô thị, đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; vận dụng hiệu quả hình thức đầu tư đối tác công tư PPP. Thường xuyên khảo sát, kịp thời điều chỉnh về thủ tục, cơ chế chính sách theo hướng cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, công khai, minh bạch; cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và các Chỉ số: PAPI, Par Index, SIPAS, ICT bảo đảm hiệu quả thực chất. Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh, giai đoạn 2017 - 2020 gắn với triển khai giai đoạn II chính quyền điện tử...

* Bạc Liêu đang triển khai ứng dụng chứng thư số, nhằm đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy trong các cơ quan, thông qua việc sử dụng chữ ký số, bảo đảm an toàn dữ liệu cho ứng dụng thư điện tử, các phần mềm ứng dụng khi cập nhật, trao đổi dữ liệu trên mạng…

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu hơn 90% số cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện được cấp chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức; tích hợp chữ ký số vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành để bảo đảm hơn 90% số sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ứng dụng chữ ký số vào trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn trên môi trường mạng.

Để thực hiện mục tiêu và triển khai đúng lộ trình, các đơn vị chức năng trong tỉnh sẽ đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ văn thư các cơ quan, đơn vị; đào tạo, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị nhằm hỗ trợ người dùng theo hướng bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin và đáp ứng việc sử dụng chứng thư số; đẩy mạnh sử dụng hệ thống quản lý văn bản liên thông, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của các cơ quan nhà nước.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39212502-quang-ninh-tap-trung-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh.html