Quảng Ninh: Thêm một con đường nối hai thôn vùng cao hẻo lánh trong Tết Kỷ Hợi

Tết Kỷ Hợi này, Quảng Ninh có thêm một con đường liên huyện vùng rẻo cao khoe sắc trong tiết xuân, không chỉ đáp ứng giao thông miền núi mà còn là niềm vui của bà con người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (Hoành Bồ), xã Thượng Yên Công (Uông Bí).

Con đường vượt đèo San, thuộc xã Bằng Cả (địa danh nổi tiếng thời kháng chiến) thuộc huyện Hoành Bồ.

Con đường dài 9,134km, mặt đường rộng trung bình 7m, điểm đầu từ cầu Vàng Danh, phường Vàng Danh (Uông Bí), điểm cuối km9+134 giao với đường QL279 tại km34+30 thuộc địa phận xã Quảng La (Hoành Bồ), kinh phí đầu tư trên 241 tỷ đồng.

Công trình này được xây dựng trên cơ sở cốt đường đã có hẳn có nhiều người biết, nhưng tích xưa thì ít người được nghe. Đoạn đường trước kia là đường QL18B với địa danh nổi tiếng căn cứ kháng chiến Đèo San - Bằng Cả mà quân Pháp vô cùng sợ hãi, một vùng đất nổi danh địa khu tiễu phỉ rừng cánh cung Đông Triều. Con đường này còn là mạch máu giao thông chính của vùng Đông Bắc, chi viện cho tiền tuyến trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Đường Đèo San - Bằng Cả còn có nét đẹp văn hóa, một con đường như nối liền hai thôn của người Dao Thanh Y, vùng núi Bảo Đài Sơn gồm: Làng Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), xã thượng Yên Công, TP Uông Bí, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ.

Người Dao Thanh Y ở dãy núi Bảo Đài Sơn như anh em người đốt trên, người đốt dưới. Tập quán văn hóa có khác với vùng người Dao ở vùng Đông Bắc này, tiêu biểu là trai thì tài, gái thì đẹp. Làng Mậu trên 100 nóc nhà, có đến 2 cô gái đạt vương miện hoa hậu dân tộc thiểu số Việt Nam. Làng Năm Mẫu, con gái thì “mười phân vẹn mười”, đẹp nổi tiếng Việt Nam, trai Bằng Cả thì tài ngày trước dẹp phỉ Bàn Đức Thắng, nay Bằng Cả nổi danh làng văn hóa ở Quảng Ninh.

Con đường liên huyện Hoành Bồ - Uông Bí không chỉ có ý nghĩa giao thông miền núi mà còn là con đường nghĩa tình nối hai thôn người Dao có nét văn hóa tương đồng ở nơi hẻo lánh.

Một số hình ảnh về con đường:

Đường qua cao nguyên Đồng Bống, hạ sơn đoạn Miếu Thán thuộc phường Vàng Danh, TP Uông Bí.

Tuyến đường dài 9.134m, mặt đường rộng 7m, từ xã Quảng La (giao lộ đường QL279) đến cầu Vàng Danh, phường Vàng Danh, kinh phí đầu tư trên 241 tỷ đồng.

Tuyến đường này từng là QL18B, huyết mạch giao thông chính thời chống chiến tranh không kích của giặc Mỹ.

Cán bộ chuyên môn các Sở Xây dựng và Giao thông vận tải nghiệm thu kỹ thuật cho biết: Công trình được xây dựng nơi rẻo cao hẻo lánh nhưng nhà thầu thi công luôn đảm bảo tính mỹ thuật, kỹ thuật.

Cầu sông Đồn là một hạng mục lớn trong tuyến đường Bằng Cả (Hoành Bồ) vượt đèo San sang Vàng Danh (Uông Bí).

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-ninh-them-mot-con-duong-noi-hai-thon-vung-cao-heo-lanh-trong-tet-ky-hoi.html