Quảng Ninh tiếp tục là một cực tăng trưởng của khu vực phía bắc

Ngày 29/3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và công bố kết quả Chỉ số xếp hạng của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023 của Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của Quảng Ninh trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại Hội nghị.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, Quảng Ninh liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, dẫn đầu chỉ số SIPAS, dẫn đầu chỉ số PAR-Index, chỉ số PAPI; đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).

Đặc biệt, Quảng Ninh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt hơn 6,83 tỷ USD; riêng năm 2023, thu hút đầu tư (FDI) tăng kỷ lục ước đạt 5 tỷ USD.

Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên hai con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023) và luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.400 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2023 đạt 104.217 tỷ đồng.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn; hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng nâng lên.

Đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị đã hình thành văn hóa phục vụ, văn hóa cam kết, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của địa phương.

Cùng với đó, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; hơn 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt.

Tỷ lệ xử lý hồ sơ công tác toàn trình cả 3 cấp đạt hơn 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc.

Hơn 72,9% tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt cao, đạt 99,7%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Khác với nhiều địa phương, Quảng Ninh cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Là điểm sáng trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, với dư địa và không gian phát triển tiềm năng, Quảng Ninh tiếp tục được các nhà đầu tư chọn là điểm đến.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Các cơ quan, địa phương, đơn vị cần tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đổi mới phong cách, phương pháp, lề lối làm việc, bảo đảm khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, theo việc đến cùng, dứt điểm, đo đếm được kết quả, hiệu quả theo phương châm “5 thật”, “6 dám”, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, năng động cho cơ sở, gắn với cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ của Quảng Ninh.

Theo kết quả xếp hạng, thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 Chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Cụ thể, dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR-Index ở khối địa phương là thành phố Hạ Long; khối sở, ban, ngành là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Kho bạc Nhà nước tỉnh; khối các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Ở bảng xếp hạng Chỉ số DDCI, đứng đầu khối địa phương là thành phố Hạ Long; khối sở, ban, ngành là Ban Quản lý Khu kinh tế và khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Cục Hải quan tỉnh.

Vị trí thứ Nhất của bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS khối địa phương là thành phố Cẩm Phả; khối sở, ban, ngành là Sở Tư pháp và khối cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh là Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ.

Đối với Chỉ số DTI, vị trí đầu bảng xếp hạng khối các huyện, thị xã, thành phố là thành phố Hạ Long; khối các xã, phường, thị trấn là phường Ka Long, thành phố Móng Cái và khối sở, ban, ngành là Sở Y tế; Còn với Chỉ số DGI năm 2023, vị trí quán quân thuộc về huyện Tiên Yên.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ninh-tiep-tuc-la-mot-cuc-tang-truong-cua-khu-vuc-phia-bac-post802238.html