Quảng Ninh triển khai mô hình Chính quyền điện tử

Việc xây dựng chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thực hiện ba khâu đột phát chiến lược, góp phần quan trọng trong CCHC và nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh.

Minh chứng là năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số CCHC của tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất toàn quốc.

1. Về hạ tầng phần cứng

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã hoàn thành cơ bản đạt tiêu chuẩn Tier 3, chuẩn quốc tế TIA-942 về Data Center, là nơi tập trung, tích hợp an toàn các kho dữ liệu, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông toàn tỉnh. Đây là Trung tâm thứ 2 trong toàn quốc được Bộ TT- TT công nhận đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT.

2. Về các hệ thống phần mềm dùng chung

- Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc: Quảng Ninh dùng chung duy nhất một Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đã được tích hợp chữ ký số (đạt tỷ lệ 100%) được triển khai tại các cơ quan, đơn vị địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và hoàn thành việc triển khai đến các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn như ngành Thuế, Hải quan, Tòa án, Viện kiểm sát,...

Cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá của Quảng Ninh thời gian qua

Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 97%, hệ thống cũng được kết nối liên thông với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ.

- Hệ thống một cửa điện tử: Quảng Ninh sử dụng duy nhất Hệ thống một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính được theo dõi trên phần mềm, người dân có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng internet.

- Về cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4: Tỉnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ duy nhất là http://dichvucong.quangninh.gov.vn. Đến nay cung cấp trên 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Cổng thông tin dịch vụ công tỉnh cho phép tổ chức/cá nhân theo dõi, tra cứu tình hình xử lý khi nộp hồ sơ; đồng thời hệ thống cũng tự động gửi tin nhắn đến di động, email của tổ chức/cá nhân đã đăng ký để theo dõi, tra cứu quá trình xử lý hồ sơ.

- Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại: Quảng Ninh đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, 14/14 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và 186/186 Bộ phận tiệp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Các Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được trang bị các thiết bị hiện đại như máy tính, máy quét, camera, màn hình hiển thị thông tin, kios lấy số tự động... 100% các xã, phường, thị trấn đều tác nghiệp trên hệ thống phần mềm Một cửa hiện đại dùng chung của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia và đang thực hiện theo phần mềm dùng chug của các Bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả đối với 19 phần mềm chuyên ngành do tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng.

3. Những khó khăn, hạn chế

Thứ nhất, việc liên thông, kết nối Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành chưa được thực hiện, đặc biệt các ngành có nhiều hồ sơ như: KH- ĐT, Tư pháp, GT- VT, Công an, Bảo hiểm...; do các Bộ sử dụng phần mềm riêng, chưa sẵn sàng tích hợp, liên thông với hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh, dẫn tới một công việc phải nhập liệu nhiều lần để thực hiện thống kê, báo cáo và theo dõi.

Thứ hai, hiện tại, hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh mới liên thông được với Văn phòng Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử; chưa liên thông được với bất kỳ Bộ, ngành nào để thực hiện gửi, nhận, chủ yếu vẫn thực hiện việc gửi văn bản giấy.

Thứ ba, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp, dẫn đến chưa phát huy được tối đa tiện ích của Hệ thống Chính quyền điện tử về lợi ích xã hội.

Thứ tư, cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp xã, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khai thác, sử dụng các ứng dụng (internet, máy tính) nói chung và các hệ thống thông tin còn nhiều hạn chế, chưa có thói quen ứng dụng CNTT trong công việc, ngại thay đổi lề lối làm việc.

Thứ năm, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương.

4. Khắc phục các tồn tại, hạn chế

Để tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (digital transformation) giai đoạn 2018-2020, từng bước thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về công nghệ thông tin nhằm có giải pháp tiếp cận hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thiện, mở rộng các phần mềm, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đã xây dựng của hệ thống chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dân.

Mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: “Xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, đồng bộ và kết nối, liên thông các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh, là tiền đề xây dựng thành phố thông minh, góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí khu vực nông thôn, vùng núi, vùng xa và biển đảo...”

HƯỜNG NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quang-ninh-trien-khai-mo-hinh-chinh-quyen-dien-tu-post229129.html