Quảng Trạch: Khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ OCOP

Trước những giá trị, lợi ích mà OCOP mang lại, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã phấn đấu xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Huyện hiện có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 và nhiều sản phẩm cũng đang trên hành trình chạm đích.

OCOP nâng tầm giá trị

Đầu năm 2019, bánh mè xát của Hợp tác xã (HTX) Làng nghề truyền thống Tân An là sản phẩm đầu tiên của huyện Quảng Trạch được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Vốn được biết đến là sản phẩm truyền thống lâu đời của người dân thôn Tân An, xã Quảng Thanh nên từ lâu bánh mè xát Tân An đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng trong vùng và các xã lân cận.

Sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm bánh mè xát Tân An lại càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Hiện sản phẩm không chỉ được bày bán ở chợ hoặc được người dân đến mua tại nơi sản xuất mà đã xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm cũng đã xuất hiện trên các kênh bán hàng trực tuyến qua mạng như Shopee.

Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc HTX Làng nghề truyền thống Tân An chia sẻ: “OCOP đã giúp sản phẩm chúng tôi tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Hiện nay, ngoài những kênh bán hàng trên, bánh mè xát Tân An còn được chúng tôi bày bán ở các điểm du lịch trong tỉnh.

Đây là cách để chúng tôi quảng bá sản phẩm với du khách trên mọi miền Tổ quốc. Nhờ thị trường bán hàng đa dạng nên hàng năm, số lượng sản xuất của bánh mè xát Tân An cũng tăng lên. Trung bình mỗi năm cơ sở chúng tôi sản xuất và bán ra thị trường hơn 350 tấn bánh mè xát các loại. Cũng nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP mà chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng ngày được cải tiến, nâng cấp.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngoài các loại máy móc phục vụ những công đoạn sản xuất làm bánh, chúng tôi đã mua thêm máy nướng bánh. Bước đầu, sản phẩm bánh nướng cũng được người tiêu dùng ưa thích và mua tương đối nhiều”.

Nước mắm Hiền Dục Cảnh Dương đã rà soát các tiêu chí để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm nay.

Nước mắm Hiền Dục Cảnh Dương đã rà soát các tiêu chí để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm nay.

Với những thành công do OCOP mang lại, hiện nay, HTX Làng nghề truyền thống Tân An cũng đang nỗ lực, phấn đấu xây dựng sản phẩm mè xát Tân An từ chuẩn OCOP 3 sao lên 4 sao.

Sau bánh mè xát Tân An, sản phẩm dầu lạc Trường Thủy cũng đã khẳng định được vị trí với người tiêu dùng nhờ đạt chuẩn OCOP. Năm 2020, là dấu mốc quan trọng của dầu lạc trường Thủy khi sản phẩm vinh dự đạt chuẩn OCOP 3 sao. Qua đó, sản phẩm nhanh chóng có chỗ “đứng” trên thị trường và được khách hàng tin tưởng sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX Nông sản Trường Thủy cho biết: “Sau thời gian phấn đấu để đạt tiêu chuẩn OCOP, giờ đây sản phẩm chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ có OCOP mà sản phẩm dầu lạc Trường Thủy đã dễ dàng xuất hiện ở siêu thị Co.opmart Quảng Bình và các thị trường khó tính, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... và sản lượng tiêu thụ dầu lạc Trường Thủy cũng ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sản xuất trên 2.100 lít dầu lạc, tăng gấp 3 lần so với những năm trước 2019”.

OCOP thúc đẩy hoàn thiện sản phẩm

Đạt tiêu chuẩn OCOP là bước tiến quan trọng để sản phẩm nông nghiệp chứng minh và khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình với người tiêu dùng. Chính vì vậy, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đang là đích đến của nhiều sản phẩm hiện nay. Để đạt được chuẩn OCOP, đòi hỏi các địa phương phải rà soát lại các tiêu chí và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Nước mắm Hiền Dục Cảnh Dương là sản phẩm truyền thống được đăng ký kinh doanh từ năm 2010. Năm 2017, cơ sở được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh hỗ trợ công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời theo chu kỳ kín bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến này, nước mắm Hiền Dục đã tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Hiện nay, khách hàng chủ yếu của nước mắm Hiền Dục là người dân trong xã và những xã lân cận. Đặc biệt, nhờ chất lượng bảo đảm nên sản phẩm được nhiều người sử dụng làm quà biếu, từ đó, sản phẩm dần phát triển thị trường ra một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với thị trường tiêu thụ ổn định nên trung bình hàng năm, cơ sở sản xuất nước mắm Hiền Dục bán ra thị trường 10.000 lít nước mắm cốt loại 1. Bà Cao Thị Nịnh, chủ cơ sở nước mắm Hiền Dục cho biết: “Mặc dù đầu ra ổn định, tuy nhiên, với mong muốn đưa sản phẩm phát triển và tiếp cận với những thị trường khó tính hơn như hệ thống siêu thị trong nước, tôi quyết định xây dựng các tiêu chí để đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Hiện tại, sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc. Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng được cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt. Mong muốn của tôi là cuối năm nay, sau khi cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá, nước mắm Hiền Dục sẽ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao để sản phẩm được rộng cửa tiếp cận thị trường”.

Để đạt chuẩn OCOP, nhiều cơ sở sản xuất đã tự hoàn thiện các tiêu chí cho sản phẩm, đặc biệt là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Tại xã Quảng Phú, sản phẩm hải sản khô của HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga được xem là sản phẩm tiêu biểu và được địa phương chọn để xây dựng tiêu chuẩn OCOP. Từ một cơ sở chế biển nhỏ lẻ, sau thời gian phấn đấu phát triển, cơ sở đã phát triển thành HTX với tổng số vốn điều lệ gần 1 tỷ đồng. Với quy mô đó, sản phẩm đã đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản, như: đăng ký thương hiệu, chất lượng an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc...

Anh Phạm Thanh Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga cho biết: “Các sản phẩm hải sản gồm cá, mực sấy khô thị trường tiêu thụ hạn chế hơn so với các sản phẩm tươi sống. Chính vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP để tiếp cận được với những thị trường tiềm năng như các điểm bán hàng du lịch trong và ngoài tỉnh. Với mục tiêu đó, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng sản phẩm ngày càng hoàn thiện nhằm hướng đến chuẩn OCOP 3 sao, thời gian qua, cơ sở đã đầu tư xây dựng hầm xử lý vi sinh để bảo đảm yếu tố môi trường. Hiện nay, cơ sở cũng đang tiến hành thiết kế lại bao bì phù hợp tiêu chuẩn để hoàn thành hồ sơ gửi lên cơ quan chức năng đề nghị xét OCOP 3 sao”.

Có thể thấy, OCOP đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp tự hoàn thiện trước khi bước vào thị trường cạnh tranh khốc liệt. Để nâng tầm giá trị và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm, buộc các cơ sở sản xuất phải nâng cao quy trình và đặt yếu tố môi trường, an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, hiện nay, Quảng Trạch đã có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: sản phẩm mây xiên Quảng Phương, dầu lạc Trường Thủy, bánh mè xát Tân An. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để đầu tư phát triển theo tiêu chuẩn OCOP. Đối với những sản phẩm có tiềm năng, huyện đã có hướng dẫn cụ thể để các sản phẩm hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt. Dự kiến đến cuối năm 2021, Quảng Trạch sẽ có thêm 3 sản phẩm nữa đạt chuẩn OCOP, gồm: gà xông khói Quảng Thạch; nước mắm Cảnh Dương; hải sản khô Dương Nga, Quảng Phú.

Đoàn Nguyệt

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/quang-trach-khang-dinh-gia-tri-san-pham-nong-nghiep-nho-ocop-2189740/