Quảng Trị: Mạng lưới giao thông kích cầu trong thu hút đầu tư

Hệ thống mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển. Đây không những là hệ thống huyết mạch giao thông kết nối giữa các vùng miền, giữa các quốc gia mà còn là đòn bẩy kích cầu trong thu hút đầu tư.

Đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gần 9.000km, với bao gồm các cấp đường quốc lộ, đường tỉnh lộ, đường đô thị, đường chuyên dùng; đường huyện, xã, thôn… Kết cấu mặt đường được đầu tư nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Trị được cấu thành chủ yếu bởi hệ thống quốc lộ theo trục dọc, trục ngang, hệ thống đường địa phương bên cạnh đường sắt Bắc - Nam. Trong những năm gần đây, nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp mở rộng, hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng với cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, đường giao thông nông thôn đã kết nối đến trung tâm xã, trung tâm thôn.

Với hệ thống mạng lưới giao thông thuận lợi, thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều nằm trên những tuyến đường giao thông thuận lợi.

Xin được đơn cử như Khu kinh tế thương mại Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam thành phố Đông Hà có tuyến đường Quốc lộ 9, thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua, nối từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến Quốc lộ 1; Khu công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio linh, tỉnh Quảng Trị) có tuyến Quốc lộ 1 đi qua; Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) có tuyến đường Quốc lộ 9D đi qua, nối từ tuyến đường Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 1.

Tuyến đường ven biển tỉnh Quảng Trị đang từng bước hình thành, cùng với những đoạn tuyến đã đầu tư xây dựng (Quốc lộ 9D, Quốc lộ 49C, đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam…) kết nối từ Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Cửa Việt, Khu kinh tế Đông Nam đến cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng). Đồng thời, kết nối với Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam thông qua các trục ngang hiện có như Quốc lộ 9, Quốc lộ 9D, Quốc lộ 49C, ĐT.582A, ĐT.582B…

Trong thời gian tới, việc đầu tư xây dựng, hình thành cảng hàng không Quảng Trị với quy mô cấp 4C sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế - xã hội địa phương và khu vực; tạo thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đã cơ bản hoàn thiện những thủ tục để triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường biển, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương và khu vực; đặc biệt là nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào qua cảng Mỹ Thủy đi các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam và các nước lân cận.

Bên cạnh phát huy hiệu quả, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục. Qua số liệu đánh giá hiện trạng về giao thông vận tải, cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh phát triển còn chậm, liên kết giữa các tỉnh xung quanh còn bị hạn chế. Mạng lưới giao thông, nhất là giao thông địa phương còn ở mức thấp và chưa vào cấp kỹ thuật, chất lượng còn xấu.

Khoảng cách gia tăng giữa nhu cầu giao thông và năng lực kết cấu hạ tầng hiện có ngày càng lớn kết hợp với thiên tai, thời tiết cực đoan khiến mạng lưới giao thông xuống cấp nhanh, điều kiện đi lại khó khăn ở các vùng có địa hình phức tạp, núi cao, hiểm trở, an toàn giao thông vẫn chưa được cải thiện. Nguồn lực duy tu bảo dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao, chi phí chưa hợp lý, tính cạnh tranh thấp; vận tải công cộng đô thị chưa phát triển; còn nhiều phương tiện vận tải cũ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Để tiếp tục phát huy lợi thế mạng lưới giao thông trên địa bàn, thời gian tới, Quảng Trị có nhiều giải pháp khắc phục. Lãnh đạo Quảng Trị cho biết giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh này sẽ tăng cường chỉ đạo, kiên quyết, dứt điểm tạo chuyển biến rõ nét về công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất, mặt bằng sạch cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tạo tiền đề để hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông quốc gia quan trọng như Cảng hàng không Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, các tuyến đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Đông Hà - Lao Bảo theo đúng lộ trình quy hoạch đã đề ra. Cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo (kết nối với Lào).

Hi Hữu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-mang-luoi-giao-thong-kich-cau-trong-thu-hut-dau-tu-359226.html