Quảng Trị: Mưa lớn kéo dài 'biến' nhiều nơi thành sông

Mưa lớn kéo dài trong đêm 23/10 đến sáng 24/10 tại tỉnh Quảng Trị, gây ngập cục bộ nhiều khu vực, một số điểm giao thông bị chia cắt tạm thời...

Khu vực trường Phan Đình Phùng, thành phố Đông Hà nước dâng cao

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong nhiều giờ qua, khu vực trung du và đồng bằng tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 3-6h ngày 24/10 phổ biến 30-65 mm, một số nơi cao hơn như Cửa Việt, huyện Gio Linh 74mm, Ba Lòng, huyện Đakrông 75mm, Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa 75mm, Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh 111mm, Vĩnh Tú 114 mm.

Một số khu vực đường Lê Lợi, Trường Chinh, thành phố Đông Hà nước ngập tràn vào nhiều hộ dân

Do mưa lớn và dồn dập, nên mực nước trên các sông đang lên nhanh. Cụ thể, lúc 7h ngày 24/10 tại Hải Tân, huyện Hải Lăng 2.69m, dưới báo động 2 là 0,11m; Đầu Mầu 21.41m dưới báo động 2 là 0.59m.

Người dân thành phố Đông Hà vất vả chạy lụt trong đêm, kê cao tài sản lên cao

Mưa lớn gây ngập lụt một số điểm tại các tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời, trong đó tại huyện Đakrông có đến 10 điểm, bao gồm: Ngầm tràn Ba Lòng; cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo; ngầm tràn A Rồng Trên, ngầm tràn A Đeng; ngầm tràn Ly tôn; cầu tràn La Tó; cầu tràn Húc Nghì; cầu tràn Đá đỏ; đường vào trung tâm xã A Vao… bị ngập lụt từ 1,0-1,5m.

Mưa lớn khiến Quốc lộ 15D đi Cửa khẩu quốc tế La Lay, xã A Bung và A Ngo, huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị bị sạt lở tại nhiều điểm

Để ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ; Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ban hành Văn bản số 115/VP-PCTT ngày 23/10/2023 về việc chủ động ứng phó gió mạnh trên biển và mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Chỉ đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị tăng cường thời lượng các OBS quan trắc đo diễn biến lượng mưa, mực nước tại các trạm đo; đồng thời, theo dõi liên tục các điểm đo mưa, mực nước của hệ thống Vrain và tăng cường thời lượng phát tin, cảnh báo, dự báo về tình hình mưa lũ, ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng xung yếu.

Các barie, biển cảnh báo được dựng lên tại khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện

Các đơn vị, địa phương đã triển khai lực lượng canh gác và bố trí barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn bị chia cắt, các điểm nguy cơ sạt lở, khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Nhiều con đường ở huyện Hải Lăng "biến" thành sông.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2023, đến thời điểm hiện nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quang-tri-mua-lon-keo-dai-bien-nhieu-noi-thanh-song.htm