Quảng Trị: Tàu 67 đang nợ quá hạn 147 tỉ đồng

Nhiều tàu đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67 đã đi vào hoạt động nhưng các chủ tàu vẫn còn nợ ngân hàng quá hạn hơn 147 tỉ đồng.

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 118 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó đóng mới tàu vỏ thép 19 tàu (59,4%), vỏ gỗ 12 tàu, và 1 tàu vỏ composite.

Đến nay, đã có 25 tàu đóng mới (17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ, 1 tàu composite) và 93 tàu nâng cấp đã hoàn thành đưa vào hoạt động, chủ yếu là các tàu khai thác thủy sản. Hiện có 7 tàu đã phê duyệt, nhưng đến nay chưa triển khai đóng mới.

Những con tàu vỏ thép đã triển khai đóng mới (trong đó có 1 tàu thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 47) đều được chủ tàu tổ chức đóng tại các công ty có kinh nghiệm như: Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt, Công ty TNHH cơ khí thủy sản Hải Phòng, Công ty Cp kỹ thuật biển S.TECH Đà Nẵng....Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản giám sát kỹ thuật theo Quyết định về ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá.

Tàu vỏ gỗ đã đóng mới tại các cơ sở trong tỉnh như Công ty TNHH MTV đóng tàu Triệu An, Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt. Công tác giám sát kỹ thuật trong quá trình đóng mới do Chi cục Thủy sản Quảng Trị thực hiện. Đã có 7 con tàu hoàn thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Riêng 1 tàu vỏ composite được đóng tại Viện chế tạo tàu thủy, Trường đại học Nha Trang đã hoàn thành và bàn giao cho ngư dân đưa vào sử dụng.

Nhiều chủ tàu cá vỏ sắt đang nợ ngân hàng, nên kinh phí duy tu, bảo dưỡng tàu gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chủ tàu cá vỏ sắt đang nợ ngân hàng, nên kinh phí duy tu, bảo dưỡng tàu gặp nhiều khó khăn.

Công tác nâng cấp tàu cá cũng được triển khai và hoàn thành 93/118 tàu. Hầu hết các chủ tàu đã triển khai thực hiện kịp thời và đánh bắt có hiệu quả, có 3 tàu hoàn vốn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện giải ngân tín dụng 431.049 tỉ đồng so với 439.064 tỉ đồng giá trị hợp đồng vay vốn. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Quảng Trị cho vay 11 chiếc đóng mới (8 tàu vỏ thép, 1 tàu võ composite, 2 tàu võ gỗ) và 9 tàu nâng cấp. Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Quảng Trị cho vay 13 chiếc đóng mới và 71 tàu nâng cấp…

Đến nay những con tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã đưa vào hoạt động, đến kỳ trả nợ gốc và lãi ở Ngân hàng. Bước đầu một số tàu trả nợ gốc và lãi, nhưng vẫn còn số nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tình hình quá hạn đến ngày 31/3/2018 tại chi nhánh Quảng Trị về cho vay đóng mới tàu cá như: Nợ quá hạn 147,4 tỉ đồng, số tàu quá hạn: 10 tàu; Nợ xấu 147,4 tỉ đồng…Những con tàu nâng cấp hoạt động có thu nhập và trả nợ và lãi đúng hạn.

Chính sách bảo hiểm tàu cá như bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm thuyền viên được quan tâm thực hiện. Năm 2017, theo Nghị định 67/2014 hỗ trợ kinh phí gần 7 tỉ đồng tiền bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm cho 135 tàu và 1306 thuyền viên.

Ngư dân đang bốc xếp cá từ tàu lên bến.

Để khai thác hiệu quả những con tàu mới, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch về đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu cá vỏ thép, vở vật liệu mới, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho khối tàu trên 400CV. Đảm bảo trang bị những kiến thức, trình độ và kỹ năng sử dụng, vận hành tàu cá xa bờ, nhất là tàu vỏ thép để đạt hiệu quả khai thác tốt nhất.

Việc khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn là đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên ngư dân không khỏi gặp những khó khăn vướng mắc. Bởi trước đây, ngư dân chỉ quen đóng, sử dụng tàu vỏ gỗ truyền thống, vì vậy khi đóng tàu vỏ thép có giá trị đầu tư quá lớn nên công tác quản lý, vận hành cần được tập huấn nâng cao trong thời gian tới.

Nhiều ngư dân cho rằng, trong quá trình triển khai đóng mới, các nhà máy đóng theo thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt, trong đó có máy lái thủy lực, máy tời thu lưới: lưới rê bùng nhùng, lưới vây và lưới chụp mực, sau khi đưa vào hoạt động đã gặp phải những trục trặc, sự cố nhất là máy tời thu lưới hoạt động không đủ công suất, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt. Máy lái chưa phù hợp với tàu khai thác thủy sản, nên các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa lại nhiều lần,chi phí tốn kém.

Việc những con tàu 67 với chi phí đầu tư lớn nhưng chỉ thiết kế đơn nghề nên chỉ hoạt động có hiệu quả trong mùa chính, mùa phụ chưa có hiệu quả. Bởi vậy công tác chuyển đổi nghề, kiêm nghề cho ngư dân là cần thiết để khai thác hiệu quả những con tàu 67; từ đó nâng cao thu nhập ngư dân và sớm trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quang-tri-tau-67-dang-no-qua-han-147-ti-dong-post270538.info