Quảng Trị: Tỷ lệ lao động người DTTS, hộ chính sách tham gia học nghề, XKLĐ chưa cao

Theo đánh giá, hiện nay, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS), thuộc hộ nghèo, hộ chính sách người có công với cách mạng tham gia học nghề, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại đại bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn thấp.

Một số ngành nghề được chọn để đào tạo cho lao động người DTTS như nghề sản xuất men rượu (men lá) là nghề truyền thống nên gây khó cho công tác tuyển sinh, tìm kiếm thầy giảng dạy

Năm 2017, toàn tỉnh Quảng Trị giải quyết việc làm cho 11.782 lượt lao động, trong đó tham gia XKLĐ là 1.445 người. Kết quả giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc hộ người DTTS và hộ chính sách NCC là 1.199 lao động.

Cũng trong năm 2017, số lượng lao động thuộc hộ DTTS, hộ chính sách NCC tham gia làm việc ở nước ngoài là 110 lượt người (tại thị trường Lào là 102 lượt lao động; XKLĐ chỉ có 8 trường hợp).

Đối với công tác đào tạo nghề, năm 2017 đã có 412 người là đồng bào DTTS và 9 người thuộc hộ gia đình chính sách NCC tham gia học. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho dê; kỹ thuật nuôi lợn Vân Pa; kỹ thuật sản xuất men rượu; làm chổi đót,…

Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại Quảng Trị là một số mô hình kết hợp đã phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình nghề May công nghiệp theo phương thức gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm tại các công ty may trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Có gần 800 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm với thu nhập ổn định từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng. Hay như mô hình Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm tại xã Vĩnh Trường và xã Linh Thượng (Gio Linh) đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Ngoài ra, một số mô hình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu; mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà, vịt, cá của các hộ dân tại những huyện vùng cao Hướng Hóa, Đakrông… cũng thu về những kết quả đáng khích lệ.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn đã và đang được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, Quảng Trị đã đào tạo nghề cho 5.309/5.535 lượt lao động nông thôn và đã có 5.018 lao động có việc làm với thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng khích lệ bước đầu, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ cho hộ nghèo DTTS, hộ chính sách vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhận thức của người dân về học nghề chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa hiệu quả.

Số lượng lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách NCC, hộ nghèo, hộ DTTS tham gia học nghề, XKLĐ chưa nhiều. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở một số nơi thực hiện thiếu đồng bộ. Vẫn còn tình trạng người lao động sau đào tạo nghề phải tự tìm việc làm hoặc tìm được việc làm nhưng không bền vững.

Ngoài ra, một số ngành nghề đào tạo cho đồng bào DTTS là ngành nghề truyền thống, gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào nên gây khó cho công tác tuyển sinh cũng như tìm kiếm giáo viên giảng dạy.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, các Sở, ban ngành, các địa phương trên địa bàn sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ DTTS, hộ chính sách NCC. Tỉnh cũng sẽ vận dụng nhiều giải pháp căn cơ để gia tăng tỷ lệ lao động là người DTTS, hộ chính sách tham gia học nghề, XKLĐ. Qua đó, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, với các mục tiêu: bình quân mỗi năm tạo việc làm cho trên 9.500 lao động; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 – 70%; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1,5% (Dự kiến năm 2018 giảm 2.310 hộ, năm 2019 giảm 2.305 hộ và nă, 2020 giảm 2.300 hộ).

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ty-le-lao-dong-nguoi-dtts-tham-gia-hoc-nghe-con-thap-d79883.html