Quanh chuyện bức tường dày hơn gang tay được rao bán 20 tỉ ở Hà Nội

Mới đây, dư luận xôn xao về một khoảnh đất rộng 0,28m, dài 18,7m, chỉ xây đủ một bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) được rao bán với giá 20 tỉ đồng.

Bức tường được rao giá 20 tỉ đồng trên đường Nguyễn Văn Huyên - Ảnh: Lam Thanh

Sau khi mở đường Nguyễn Văn Huyên, khu vực này bắt đầu xuất hiện những bức tường trị giá hàng tỉ đồng. Lý do là khi giải tỏa làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, phần còn lại không được đền bù đôi khi chỉ còn vài chục centimet, vừa một bức tường.

Nếu bức tường này được hợp thửa, khu đất bên trong trở thành đất mặt đường, giá trị có thể tăng lên nhiều lần. Do đó, chủ sở hữu bức tường có thể “vô tư” hét giá.

Bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên là một ví dụ. Trên bức tường ghi “Tại đây bán thửa đất 5,3m2 (dài 18,7m, rộng 0,28m) giá 20 tỉ” kèm số điện thoại liên hệ. Tính theo giá mà chủ nhân mảnh đất đưa ra thì “bức tường” này được rao bán với giá gần 4 tỉ đồng/m2.

Tuy nhiên, hiện tấm biển bán đất đã được tháo xuống, thay vào đó là phía trên ghi dòng chữ “đất tranh chấp, không giao dịch”. Xác nhận với phóng viên, chủ nhân của khoảnh đất cho biết đã bán đám đất, tuy nhiên không tiết lộ người mua.

Trước đó, cũng tại con phố này, một khoảnh đất có chiều dài 10,85m, rộng 0,14m, diện tích 1,7m2 cũng được rao bán với giá 1 tỉ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán thì một bên có quyền nêu giá và một bên có quyền trả giá.

“Người bán có lợi thế chính là ở mặt tiền và người cần mua là nằm bên cạnh họ rất cần mặt tiền ấy để tăng giá trị khu đất lên nhiều lần”, ông Lê Hoàng Châu nói và cho biết chuyện “bắt chẹt’ nhau khi giao dịch mua bán là chuyện bình thường, không nên coi đó là chuyện cá biệt.

Về phía người mua, ông Châu cho rằng khi họ nhận thấy mức giá sau khi mua miếng đất đó và hợp thửa với miếng đất của họ thì giá trị của miếng đất kia sẽ tăng lên bao nhiêu lần, họ sẽ phải tính toán. Giá trị bên trong sẽ hoàn toàn khác khi toàn bộ miếng đất khi ra mặt tiền.

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần phải làm ngay từ khâu quy hoạch. Theo đó, từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành. Từ đó, chính quyền phải trao đổi với người dân để có phương án thỏa thuận đền bù hợp lý. Nếu để sau khi hoàn thành dự án mới giải quyết thì giá trị khu đất sẽ tăng lên rất nhiều, hai bên rất khó thỏa thuận hợp thửa.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất tại Văn bản số 79/BC-SXD ngày 29.3.2018 của Sở Xây dựng về việc xử lý thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại gây phản cảm để phục vụ mục đích công cộng.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu lập hồ sơ thu hồi phục vụ vào mục đích công cộng đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2 mà không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối; đồng thời giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm đối với các trường hợp công trình nằm đan xen với công trình xung quanh, người dân đã tự cải tạo chỉnh trang trên cơ sở nguyên trạng cũ, người dân đã ăn ở mưu sinh ổn định từ nhiều năm, có điều kiện để người dân tự hợp thửa, hợp khối.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/quanh-chuyen-buc-tuong-day-hon-gang-tay-duoc-rao-ban-20-ti-o-ha-noi-97787.html