Quanh năm ở trọ nhà người …

Khởi nghiệp đơn giản chỉ với chứng minh thư, chút kinh nghiệm sử dụng đồ dùng gia dụng hiện đại, thêm cách ăn vận gọn gàng, sạch sẽ, nhiều phụ nữ từ quê ra thành phố nhanh chóng tìm được công việc với mức lương gấp 2-3 lần người làm nhà nước.

“Giúp việc được đào tạo bài bản trước khi nhập gia tùy tục, được hướng dẫn sử dụng các thiết bị hiện đại trong gia đình, quê quán lai lịch rõ ràng. Bên em sẽ bảo hành giúp việc trong 6 tháng, đảm bảo người giúp việc có trách nhiệm, làm việc chăm chỉ, cẩn thận theo chỉ dẫn. Sau khi ký hợp đồng 6 tháng, chủ nhà có thể đổi giúp việc thoải mái đến khi nào ưng mới thôi. Phí môi giới tìm người giúp việc là 1,2 triệu đồng. Ngoài ra Trung tâm dành rất nhiều quyền lợi cho chủ nhà”.

Những điều khoản hấp dẫn mà một trung tâm hỗ trợ tìm người giúp việc nằm phía sau bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đưa ra khiến chị Hà Minh (số 23, ngõ 74 Cầu Diễn, Hà Nội) khấp khởi hi vọng. Sau năm lần bảy lượt nhờ người ở quê tìm hộ giúp việc không thành, chị quyết định thay đổi vận may ở các trung tâm môi giới & cho thuê người giúp việc.

Ngay sáng hôm sau, chị Minh bỏ công việc đến trực tiếp trung tâm để chọn người giúp việc. Khác với sự nhộn nhịp của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm cho thuê người giúp việc này vắng tanh. Một phụ nữ đại diện trung tâm nói giọng lơ lớ: “Giúp việc bên em ở khắp vùng miền, nhưng chỉ từ Thanh Hóa trở ra Bắc thôi, hôm nay em lại vừa cho các chị đến mấy gia đình thử việc nên chỉ còn lại… 2 người”.

Hai người phụ nữ ngồi nhỏ thó ở bàn nước đợi khách, một chị sinh năm 1978, một chị sinh năm 1965. Ngẫm một lúc lâu, chị Minh chọn người 53 tuổi.

Sau khi mất phí môi giới là 1,2 triệu đồng cho một hợp đồng thuê người với trung tâm, người đàn bà quê Bắc Ninh theo chị Minh về nhà làm thử trong vòng 5 ngày. Ngày đầu, bà giúp việc làm rất chăm chỉ, nhưng bà lóng ngóng trong việc chăm trẻ, lại nấu bột mặn hơn cả người lớn ăn hàng ngày… Trả công 240 nghìn cho 2 ngày làm việc, chị Minh quyết định trả người và chuyển sang thuê chị phụ nữ bằng tuổi mình - 1978. Nhưng oái oăm thay, chị phụ nữ này đang tuổi “hưởng thụ”, hễ có cái váy cái áo hàng hiệu nào của Minh, chị đều xỏ thử khi tiện đang ngồi gấp quần áo. Chị giúp việc cũng thích nước hoa, mê mỹ phẩm, có ngày lụi hụi cả tiếng trong phòng Minh để dọn phòng. Cực chẳng đã, chị lại muốn đổi…

Điều lạ hơn, trong 6 tháng bảo hành, chị Minh được quyền giữ lại chứng minh thư của người giúp việc để làm tin. Ngỡ tưởng đây là “chuôi dao” giúp chủ nhà phòng bất trắc, nhưng sau khi đổi người, chị vẫn cầm chứng minh thư của chị phụ nữ sinh năm 1978 mà không thấy chị ta đến xin lại (?!). Theo chị Minh, hợp đồng ký kết với trung tâm môi giới cho thuê người giúp việc hầu như đề cập đến 2 bên, người giúp việc khá mờ nhạt, chỉ như “món hàng” đi hết nhà này đến nhà khác.

Chỉ cần gõ “tìm giúp việc” vào thanh công cụ tìm kiếm Google, các gia đình dễ dàng tìm được hàng trăm trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm như chị Minh. Và gần như ngay lập tức, trung tâm sẽ giới thiệu 1-2 người giúp việc cho gia đình sau khi hợp đồng ký kết. Kết quả chóng vánh ấy khiến nhiều gia đình vừa mừng vừa lo vì có khi cả tháng trời tìm mỏi mắt ở quê, nhờ vả ỉ ôi trên các diễn đàn tìm mãi chẳng ra. Không xác nhận được nhân thân, quá khứ của người giúp việc sẽ khiến nhiều gia đình tiền mất tật mang nếu thuê phải những “quái kiệt ô sin”.

Không những thế, lao động giúp việc hiện có trình độ học vấn khá thấp (77% lao động chỉ học từ tiểu học đến THCS, thậm chí có người hơn 60 tuổi chỉ biết mặt chữ). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đa số người giúp việc gia đình lớ ngớ trong công việc, chỉ đâu làm nấy. Họ cũng chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình. Kết quả là, có đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội; trên 91% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên và chỉ có 19,5% có bảo hiểm y tế.

Khảo sát liên quan đến nhóm lao động này cũng đã chỉ ra gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để rạch ròi nhiệm vụ - quyền lợi giữa đôi bên.

Luật sư Đặng Hữu Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, giúp việc chưa thực sự được coi là một nghề dù Việt Nam đã ban hành một số quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình như: Bộ luật Lao động năm 2012, Mục 5 (từ Điều 179-Điều 183) có quy định rõ điều khoản về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động và trách nhiệm giải quyết các vấn đề lao động; Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình; Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP…

Việc tìm người giúp việc qua các trung tâm môi giới hiện nay tiềm ẩn nhiều bất lợi cho chủ nhà. Theo LS Đặng Hữu Anh, khi thuê người giúp việc, chủ nhà không chỉ ký hợp đồng với trung tâm môi giới mà cần làm hợp đồng với riêng người giúp việc, có các điều khoản cụ thể, trong đó thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của 2 bên. Đây là căn cứ pháp lý khi có tranh chấp xảy ra. Khi đưa người giúp việc vào nhà, bên thuê cần yêu cầu họ nộp lại các giấy tờ cần thiết, không chỉ có chứng minh thư mà phải yêu cầu cả bản sao hộ khẩu, số điện thoại liên hệ ở quê, chụp lại ảnh của người giúp việc và nói rõ với họ, những giấy tờ này sẽ được chuyển đến công an để điều tra khi có chuyện gì xảy ra…

Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng GFCD, hầu hết chủ nhà đều đã nâng cao cảnh giác và nắm giữ những giấy tờ tùy thân quan trọng của người giúp việc, trong khi chính bản thân người lao động giúp việc gia đình lại thờ ơ với quyền lợi của mình, không muốn ký hợp đồng lao động do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin.

Người giúp việc hiện nay đa số không hiểu biết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên dù trong luật đã quy định người giúp việc cũng được coi là người lao động, họ được ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi và được đóng bảo hiểm xã hội thì nhiều người vẫn không có nhu cầu đòi quyền lợi cho mình.

Do không hiểu luật, không ký hợp đồng lao động nên nhiều giúp việc gia đình có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro lớn trong quá trình làm việc như: bị phân biệt đối xử, bị nợ lương, bị đánh đập, bị cưỡng bức… hay các hình thức lạm dụng khác.

Trên thực tế, có rất nhiều giúp việc bị bạo hành, nợ lương… nhưng không thể lên tiếng. Ngược lại, chủ nhà bị ôsin cuỗm đồ, bạo hành con nhỏ, người già… mà không hay. Vì thế, để giúp việc là một nghề thực sự, cả người giúp việc và chủ nhà đều phải thông thái, lựa chọn những điều khoản cần thiết để bảo vệ mình trong môi trường công việc còn bị “thả nổi” này.

Theo bà Ngọc Anh, do không hiểu luật, không ký hợp đồng lao động nên nhiều giúp việc gia đình có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro lớn trong quá trình làm việc như: bị phân biệt đối xử, bị nợ lương, bị đánh đập, bị cưỡng bức… hay các hình thức lạm dụng khác.

Thiết kế: Thúy Hà

Việt Đan

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/quanh-nam-o-tro-nha-nguoi-130209.html