Quạnh vắng bất thường ở Quỳnh Lâm tự - chốn đệ nhất danh lam cổ tích

Những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, chứng kiến sự đìu hiu của ngôi cổ tự Quỳnh Lâm (xã Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh) dễ khiến những người đi lễ bùi ngùi, luyến tiếc…

Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh).

Đệ nhất danh lam cổ tích

Chùa Quỳnh Lâm (còn gọi là chùa Quỳnh) có một hồ nước lớn trước mặt, hai cánh tả hữu và sau lưng đều là đồi núi bao bọc, quanh năm gió núi thông reo, vời vợi một màu xanh thẳm. Thế đất ấy được dân gian ví như thế “ngai vàng” hay “rồng chầu hổ phục”.

Theo các cứ liệu lịch sử, chùa Quỳnh được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 – 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không. Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng.

Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m). Có thể do chiều cao vượt ngưỡng đó mà dân gian vẫn truyền tai nhau rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều cách xa tới 10 dặm vẫn còn thấy nóc của gian điện.

Hồ nước lớn trước chùa giờ lau lách mọc xanh um, thậm chí còn bị tận dụng để ngâm gỗ công trình nên trông rất mất mĩ quan.

Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.

Sau đó, không rõ tượng mất khi nào nên thiền sư Pháp Loa - ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, đã cho đúc pho tượng Di Lặc mới cũng hết sức to lớn vào năm 1327.

Đến thế kỷ 15, khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi "tượng trầm trầm tại hạ" (chìm dần xuống đất).

Những bậc đá rêu phong mang đậm kiến trúc cổ tại chùa Quỳnh Lâm.

Mang trong mình bao dấu tích về một thời kỳ phát triển rực rỡ của nền Phật giáo Việt Nam từ thời đại Lý – Trần, chùa Quỳnh Lâm đóng vai trò là trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ XIV với nhiều hoạt động của thiền sư Pháp Loa – vị sư tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Từ năm 1317, trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng Viện Quỳnh Lâm – trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam với nhiều khối kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh bao gồm các điện thờ Phật và gác chứa kinh sách. Đào tạo ra hàng ngàn tăng ni, sư sãi cho Phật giáo. Năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam”.

Cũng trong năm này, thiền sư Pháp Loa đã đem một phần tro cốt của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông – vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm về chứa trong bảo tháp tại chùa Quỳnh Lâm để thờ phụng...

Cảnh cũ còn đâu?

Lịch sử huy hoàng là vậy nhưng những ngày đầu năm mới 2018, mắt thấy tai nghe cảnh vắng vẻ và ngổn ngang tại ngôi cổ tự Quỳnh Lâm, người viết bài này chẳng thể ngờ nổi nơi đây từng là "đệ nhất danh lam cổ tích", "đại học Phật giáo đầu tiên" hay nơi lưu giữ "đệ nhất An Nam tứ đại khí".

Nhiều công trình cổ bằng đá tại chùa do không được dọn dẹp nên cỏ đã phủ gần kín.

So với sự rộn ràng, rực rỡ của những ngôi chùa nổi tiếng khác cùng địa phương và ở cách đó không xa, Quỳnh Lâm giờ đây buồn bã như trong một bức tranh thiếu màu sắc. Dù là ngày đầu năm mới, nhưng lượng khách đến lễ chùa cũng chỉ thưa thớt, không đáng kể.

Tất cả khuôn viên chùa đều bị xới tung lên; vật liệu chất đống ngổn ngang, phủ tạm bợ bằng những tấm bạt xanh đỏ; bụi giăng mờ khắp các lối, lau lách chen chúc trên các phiến đá cổ; trong khi những hạng mục chính còn sót lại thì đã bội phần xuống cấp...

Phần lớn khuôn viên chùa đều bị đào xới tứ tung trong khi lượng khách đến chùa không đông như các chùa khác trong vùng.

Người dân địa phương bảo, thoạt nhìn cứ tưởng chùa sắp bước vào cuộc đại trùng tu nhưng thực ra chẳng phải vậy. Phải ở lâu mới biết, do không có kinh phí nên quá trình thi công rất chậm chạp, bao năm rồi vẫn thế, đào đào, xới xới, xây mãi chẳng xong nổi hạng mục nào...

Gác chuông đã quá cũ nát.

Được biết, trong 3 đợt khai quật từ năm 2007 – 2009, các nhà khoa học đã phát hiện ra toàn bộ các nền móng của 9 công trình và 6 khoảng sân có kiến trúc từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Đặc biệt, là tấm bia đá cổ cao 2,5m dựng trước cửa chùa với hoa văn rồng phượng đặc trưng của thời Lý.

Tấm bia đá lớn trước chùa Quỳnh Lâm thậm chí không có nổi một nén hương thơm.

Đi vào trong qua gác chuông là khối kiến trúc mặt nền móng đã lộ thiên với những đường móng gạch lát nhuốm màu rêu phong của thời gian.

Những phiến đá tinh xảo vẫn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt.

Đi qua gác chuông là khoảng sân rộng hàng ngàn mét vuông với bao phiến đá xanh hình chữ nhật, hàng trăm cái bệ đá làm chân cột được khắc họa tiết hình cánh sen mềm mại, tinh xảo vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” sau đợt khảo cổ năm 2009...

Long Nguyễn - Đình Tuệ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/quanh-vang-bat-thuong-o-quynh-lam-tu-chon-de-nhat-danh-lam-co-tich-591938.ldo