Quay lại vạch xuất phát?

Trang mạng tuyên truyền đối ngoại Uriminzokkiri của CHDCND Triều Tiên ngày 18-4 chỉ trích các cuộc tập trận chung gần đây của Hàn Quốc và Mỹ, cáo buộc Seoul không có ý định thực hiện thỏa thuận quân sự đã ký với Bình Nhưỡng.

Và câu trả lời của Triều Tiên chính là việc nước này công khai thông tin đã thử thành công loại vũ khí dẫn đường chiến thuật có “hệ thống dẫn đường đặc biệt” và mang theo “đầu đạn công phá mạnh”.

Vụ thử đã làm leo thang căng thẳng và khiến vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thể lại rơi vào bế tắc.

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ thử vũ khí. Ảnh: France 24.

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ thử vũ khí. Ảnh: France 24.

“Đầu đạn công phá mạnh”

Đề cập đến một cuộc tập trận đổ bộ gần đây của quân đội Hàn Quốc và một cuộc tập trận khác có liên quan tới thủy quân lục chiến Mỹ từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, trang Uriminzokkiri cho rằng các cuộc tập trận đang khuấy động “sự quan ngại và tức giận nghiêm trọng”, “phá hoại hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như làm gia tăng bầu không khí chiến tranh lẫn nguy cơ chiến tranh”.

Báo này nhấn mạnh, điều này chứng tỏ rằng Seoul không có ý định duy trì thỏa thuận quân sự đã ký với Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tháng 9-2018, đồng thời cáo buộc quyết định của Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận chung với Mỹ chỉ là một sự “ngụy trang để che giấu ý định đó”.

Cùng ngày, trang web tuyên truyền Meari cũng có bài viết tương tự, chỉ trích việc triển khai thủy quân lục chiến Mỹ là “một hành động khiêu khích”.

Song song với đó, KCNA đăng tin công bố vụ thử vũ khí mới của CHDCND Triều Tiên được thực hiện bằng nhiều mô hình bắn khác nhau và nhằm vào các mục tiêu khác nhau. KCNA không mô tả cụ thể loại vũ khí này, song từ “chiến thuật” ám chỉ một loại vũ khí tầm ngắn, trái ngược với những tên lửa đạn đạo vốn bị Mỹ coi là một mối đe dọa.

Đích thân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trên cương vị là Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên đã chỉ đạo tiến hành vụ thử và gọi đây là “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của Quân đội nhân dân Triều Tiên. Ông Kim Jong-un khẳng định các nhà khoa học quốc phòng Triều Tiên và những người làm trong ngành công nghiệp đạn dược đã hoàn thành “một công trình vĩ đại nữa” trong việc gia tăng năng lực phòng thủ của đất nước.

Phát biểu sau khi trực tiếp chỉ đạo tiến hành vụ thử, ông nhấn mạnh: “Hoàn tất việc phát triển hệ thống vũ khí là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đặt “các mục tiêu chiến lược và từng bước” là duy trì hoạt động sản xuất đạn dược của nước này, đặt khoa học và công nghệ quốc phòng lên một “vị trí tiên phong” và chỉ đạo “các nhiệm vụ chi tiết và cách thức để đạt các mục tiêu trên”.

Tiến trình không tiến triển

Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của CHDCND Triều Tiên kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2 vừa qua tại Hà Nội. Vụ thử diễn ra sau khi ông Kim Jong-un từng đề cập hạn chót là đến cuối năm cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ sau khi hội nghị trên kết thúc mà không đạt thỏa thuận.

Ngay sau khi xác nhận có vụ thử vũ khí mới, ngày 18-4, Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này sẽ duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Mỹ để thu thập thông tin và phân tích về vụ Triều Tiên thử vũ khí chiến thuật trước đó một ngày.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ Tokyo rất quan tâm tới vụ thử vũ khí của Triều Tiên và đang tiến hành thu thập thông tin và phân tích vụ việc. Ông Suga từ chối đưa ra nhận định về vụ thử vũ khí của Triều Tiên.

Trong khi đó, tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại - Quốc phòng Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ các động thái quân sự của Triều Tiên. Bộ trưởng Iwaya nêu rõ Tokyo sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ và nỗ lực thu thập, phân tích các thông tin cần thiết cũng như tăng cường hoạt động giám sát.

Về phía Hàn Quốc, ngày 18-4, một quan chức quân sự Hàn Quốc giấu tên nhận định vũ khí chiến thuật mới gắn “đầu đạn có sức công phá lớn” vừa được Triều Tiên thử nghiệm có khả năng không phải là một tên lửa. Quan chức này giải thích Hàn Quốc đã không phát hiện bất cứ dấu hiệu gì trên màn hình radar. Quan chức này nói: “Khi Triều Tiên phóng một tên lửa, radar của chúng tôi sẽ bắt được hình ảnh đó. Tuy nhiên, chúng tôi đã không phát hiện được tên lửa nào”.

Hiện Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận gì về động thái mới của Triều Tiên. Trước đó, Bộ Chỉ huy phương Bắc và Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ cho biết không phát hiện một vụ phóng tên lửa từ phía Triều Tiên và đang tiến hành kiểm tra thêm. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nói: “Chúng tôi đã biết thông tin này và hiện chưa có bình luận gì thêm”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có phản ứng tương tự.

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại bãi thử vũ khí. Ảnh: The Register Citizen.

Không để tiến trình hòa bình đi chệch hướng, bất chấp vụ việc trên, phía Hàn Quốc vẫn quyết tâm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngày 17-4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul khẳng định Seoul sẽ đi đầu trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại diễn đàn về quan hệ liên Triều được tổ chức ở Seoul, tân Bộ trưởng Kim Yeon-chul nhận định vẫn còn một “chặng đường dài” và nhiều “trở ngại” phải vượt qua kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra một năm trước giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc khẳng định do đây là vấn đề vận mệnh của Bán đảo Triều Tiên, Seoul sẽ đi đầu trong việc giải quyết một cách căn bản vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình bền vững trên bán đảo này.

Đề cập đến hội nghị thượng đỉnh tuần trước giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donal Trump, Bộ trưởng cho biết các nhà lãnh đạo đã đạt được hiểu biết chung và những nỗ lực đối thoại của Seoul nhằm cải thiện quan hệ liên Triều đang được duy trì.

Chính nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc hành động một cách có trách nhiệm và hiệu quả để vệ lợi ích của quốc gia, thay vì chỉ đóng vai trò là “người hòa giải và hỗ trợ trung gian” giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Câu hỏi đặt ra vào lúc này là trong lúc mọi sự chưa có gì căng thẳng, tại sao Triều Tiên lại công bố thông tin về loại vũ khí mới, thông điệp của Triều Tiên qua vụ thử “vũ khí chiến thuật mới” là gì? Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, cho rằng cách miêu tả vụ thử “được tiến hành ở nhiều chế độ bắn khác nhau nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau” đồng nghĩa rằng nó có thể được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không.

Ông Kim Dong-yub nói: “Nhiều khả năng đây là tên lửa hành trình tầm ngắn có thể được chuyển thành tên lửa mặt đất, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối hạm, tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa hành trình đất đối đất”.

Nhà phân tích Shin Jong-woo của Diễn đàn An ninh phòng thủ Hàn Quốc tại Seoul, nói rằng đây có thể là tên lửa dẫn đường chính xác đất đối đất tương tự như tên lửa dẫn đường chống tăng Spike của Israel mà Hàn Quốc mua hồi thập niên đầu của thế kỷ 21.

Chuyên gia Harry Kazianis của Trung tâm Vì lợi ích quốc gia tại Washington nói: “Điều này cũng đóng vai trò là lời nhắc nhở hữu ích về thực tế quan trọng: nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa bao giờ hứa hẹn ngừng thử tất cả các vũ khí trong kho vũ khí của ông mà chỉ các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới lục địa Mỹ”.

Ông Harry khẳng định: “Ông Kim đang cố gắng gửi một thông điệp tới chính quyền ông Trump rằng tiềm năng quân sự của ông đang lớn dần mỗi ngày. Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, đồng tình rằng vụ thử này là thông điệp gửi tới Mỹ, cho thấy sự bất mãn của Triều Tiên về các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc.

Tuy nhiên, theo ông, thực tế rằng đây không phải vụ thử tên lửa tầm xa hay vụ thử hạt nhân “nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng muốn duy trì đối thoại với Washington. Bình Nhưỡng không thể tiến hành vụ phóng hạt nhân hay tên lửa tầm xa vào thời điểm này trừ phi họ muốn đạp đổ hoàn toàn những gì còn lại trong các cuộc đối thoại Mỹ-Triều”.

Phía sau sự “khó xử”

Sự “khó xử” của cả hai bên dường như đã xuất hiện khi KCNA cho biết, Triều Tiên không muốn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân và kêu gọi một ai đó “cẩn thận và chín chắn hơn trong việc giao thiệp”.

KCNA cũng dẫn lời Kwon Jong Gun, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói rằng “không một ai có thể dự đoán” tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ không loại bỏ “căn nguyên” khiến Bình Nhưỡng phải phát triển chương trình hạt nhân, song không nêu rõ chi tiết.

Trong hội nghị thượng đỉnh mới diễn ra tại Nhà Trắng, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Moon Jae-in đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Tuy nhiên, thật khó có một kết quả cụ thể nào khi ông Trump nói rõ rằng ông sẽ không thay đổi lập trường.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Risingbd.

Nếu quả đúng như vậy, rõ ràng sẽ làm ông Moon có ít dư địa khi trao đổi với phía Triều Tiên. Ông Trump nói rằng: “Chúng tôi muốn các biện pháp trừng phạt được giữ nguyên”.

Có thể thấy rõ, sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua, sự lạc quan về một thỏa thuận chấp nhận được đã không còn nhiều. Chính vì thế, trong một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã nhắc lại điều ông từng nói tại Hà Nội: “Chúng ta đang nói về thỏa thuận lớn... chúng ta phải loại bỏ vũ khí hạt nhân”.

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội chưa đem lại kết quả mà Tổng thống Trump mong muốn và cuối cùng chỉ giống như một bài học khắc nghiệt về sự hạn chế của hoạt động ngoại giao tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên, hội nghị này có một tác dụng, đó là các cuộc thảo luận giữa các quan chức của cả hai phía ở cấp chuyên viên, mặc dù không đem lại một thỏa thuận nhưng đã tạo ra bước khởi đầu cho thứ có thể được “gọt giũa” để trở thành một thỏa thuận mà lãnh đạo của cả hai nước có thể chấp nhận được. Bản thân ông Trump cũng đã nói sau cuộc gặp với Tổng thống Moon: “Có rất nhiều thỏa thuận nhỏ hơn có lẽ đã có thể đạt được”.

Trong khi đó, ở phía bên kia, phát biểu tại Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) hồi tuần trước, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng ông “không có ý định lặp lại một cuộc gặp thượng đỉnh giống như cuộc gặp được tổ chức tại Hà Nội”. Thay vào đó, ông Kim nói với cơ quan lập pháp của ông rằng bất kỳ “cuộc đàm phán nào trong tương lai” phụ thuộc vào “quyết định táo bạo của Mỹ” về việc “từ bỏ tính toán hiện nay của nước này và tiếp cận Triều Tiên bằng một lập trường mới” và sẽ đòi hỏi “một hệ phương pháp cụ thể có thể chia sẻ với phía Triều Tiên”.

Câu hỏi đặt ra: Vậy những bước đi “táo bạo” đó sẽ là gì? Theo một số nhà phân tích, có 3 bước được cho là có thể thay đổi bầu không khí hiện này và đem lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa cho cả hai bên. Đầu tiên, cần nâng đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun lên thành đặc phái viên của tổng thống, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho Tổng thống Trump.

Động thái này sẽ giúp các hoạt động ngoại giao trở nên dễ dàng hơn. Thứ hai, Mỹ nên quay trở lại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và tìm kiếm một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an - cho phép đình chỉ một số lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên, tương xứng với những bước đi được xác minh của Triều Tiên trong việc gỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Thứ ba, nhằm tạo thêm động lực cho các hoạt động ngoại giao của LHQ, Mỹ nên đề xuất một cơ chế 3 bên Mỹ-Trung Quốc-Nga nhằm tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Một khi những bước đi kể trên được thực hiện, điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên thành công sẽ được xây dựng trên đề xuất của Triều Tiên về việc gỡ bỏ toàn bộ cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Ông Biegun từng nói trong một bài phát biểu tại Đại học Standford trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, đội ngũ của Tổng thống Trump tại Hà Nội hướng tới mục tiêu tạo ra “tiến triển quan trọng và có thể xác minh” và tránh những sai lầm mà các chính quyền tiền nhiệm mắc phải đó là bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán vô tận không có kết quả.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/quay-lai-vach-xuat-phat-542058/