Quay lén phim tại rạp rồi phát tán trên mạng, chưa xử lý hiệu quả

Ý kiến này được ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi đóng góp vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều ngày 28/10 tại Kỳ họp thứ 2.

Bổ sung chế tài

Góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho hay: “Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với việc quay lén phim tại các rạp và phổ biến trên không gian mạng. Vì hiện nay việc quay lén phim tại các rạp và phát tán trên không gian mạng thì còn diễn ra khá nhiều mà cũng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả. Từ đó thì làm ảnh hưởng đến không chỉ là chất lượng hình ảnh, âm thanh của bộ phim mà quan trọng là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhà làm phim, trong khi các nhà sản xuất cũng đã tốn nhiều chi phí đầu tư vào các sản phẩm của mình”.

Hiện nay, tình trạng quay lại phim đang công chiếu, thậm chí là truyền dẫn trực tiếp phim trên các trang mạng xã hội khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất phim, của rạp chiếu phim và vi phạm đến bản quyền tác phẩm. Mặc dù đã có quy định về chế tài xử lý, song thực tế việc vi phạm vẫn tiếp diễn. Đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim”, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) bàn luận.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về quy định sản xuất phim, sử dụng ngân sách Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 15 có đưa ra hai phương án. Tôi ủng hộ phương án 2. Để tạo ra sản phẩm điện ảnh thì có kịch bản rồi đến sản xuất. Tôi đề nghị cần có cách thức tuyển kịch bản độc lập với đấu thầu sản xuất phim để nâng cao hơn tính cạnh tranh và sẽ tạo ra giá trị sản phẩm cuối cùng tốt hơn.

Về loại phim đưa ra đấu thầu, tôi cũng đề nghị quan tâm đến văn hóa truyền thống, tâm lý thanh thiếu niên, các vấn đề đương đại, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Đinh).

Trong khi đó, ĐBQH Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) góp ý: “Trước hết, tại khoản 2 Điều 15. Tôi đề nghị dự thảo luật cần làm rõ ngoài các chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức Chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như dự thảo quy định thì các cơ quan của Quốc hội, bao gồm các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Trung ương Đảng và các ban Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao có được quyền làm chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay không?

Thực tế cho thấy gần đây chúng ta được xem bộ phim truyền hình dài tập có nội dung nói về thẩm phán Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất phim Lựa chọn số phận. Từ thực tiễn đó việc bổ sung các chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước như nêu trên là có cơ sở”.

Hình ảnh trong bộ phim Lựa chọn số phận.

Bàn luận về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 44 của dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) góp ý: “Tôi thấy rằng việc thu hút, khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài còn nhiều khó khăn. Theo phản ánh của các đạo diễn trong nước thì hợp tác quốc tế vẫn còn nhiều điểm trống.

Nước ta có thế mạnh để thu hút các đoàn làm phim thế giới. Nhiều đoàn làm phim nước ngoài muốn đến khai thác bối cảnh Việt Nam nhưng rất tiếc họ đã sang Thái Lan, Philippines. Phim "Kong: Skull Island" đặt tại Việt Nam cho thấy sức hút và hiệu quả của việc quảng bá du lịch. Nhưng để quay phim ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thẩm định kịch bản.

Bởi vì dự thảo luật yêu cầu viết kịch bản trước có thể gây khó cho nhà làm phim nước ngoài. Phim của họ quay ở nhiều nước chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Ta yêu cầu viết kịch bản thì rất khó. Chính vì vậy, tôi đề xuất nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp thì các hoạt động về dịch vụ điện ảnh cần tháo gỡ thủ tục hành chính, khâu đột phá là kiểm duyệt kịch bản. Các nước có nền điện ảnh lớn, có nhiều ưu đãi về hợp tác làm phim, họ thấy lợi ích của việc đầu tư 1 USD thì thu về 9 USD từ các hợp tác đó”.

Mặt khác đều quy định về hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, tại Điều 14 và Điều 44, theo tôi có thể liên kết hoặc gộp lại. Điều 44 là điều mới, có nhiều khoản khuyến khích ưu đãi về chi phí thuế, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài thì tôi đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn mới có thể thu hút các hãng nước ngoài hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam.

Giữ được 20% thị phần chiếu rạp

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Điện ảnh Việt Nam như các đại biểu đã thấy, là có quá trình phát triển bắt đầu từ năm 1923, điện ảnh Việt Nam của chúng ta đã có và hình thành. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, điện ảnh Việt Nam của chúng ta đã hoàn thành được trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của mình. Và ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, điện ảnh nước nhà của chúng ta cũng phải vươn lên để thực hiện được những trách nhiệm của mình như hai trụ cột mà Quốc hội đang mong muốn.

Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng đã cố gắng nghiên cứu, xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để trong quá trình tiếp biến văn hóa này lựa chọn những vấn đề gì phù hợp để có thể đưa vào luật và đồng thời những cái gì mà có thể tham khảo theo hướng tiếp thu có chọn lọc, nhưng đây là một vấn đề khó và như nhiều đại biểu đã phát biểu. Vì vậy, cũng không thể đáp ứng hết một sớm, một chiều như mong muốn của các đại biểu đang phát biểu trong diễn đàn của ngày hôm nay. Những khó khăn đó, các đại biểu cũng đều thấy và chia sẻ.

Tôi xin được dẫn ra mấy vấn đề. Như thị phần chiếu phim ở Việt Nam thì hiện nay chúng ta đã hội nhập sâu vào quốc tế, 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động, vì do nước ngoài đầu tư, chúng ta chỉ giữ được 20% thị phần này”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh vneconomy.

Tại dự thảo Luật lần này chúng tôi có đề xuất ở Điều 5 và Điều 6 về chính sách này. Điều 5 chúng tôi muốn nói về chính sách dành cho ngành văn hóa nghệ thuật. Điều 6 chúng tôi muốn nói đến vấn đề về lĩnh vực kinh tế, đó là công nghiệp điện ảnh. Trong 2 điều này đã thể hiện được đâu là chính sách mà Nhà nước cần phải hướng đến, đó là đầu tư sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị, đó là phát hành, phổ biến phim phục vụ cho miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, đó là đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật cho điện ảnh và cuối cùng là tổ chức liên hoan ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là trong bối cảnh công nghệ số.

Giải đáp về vấn đề về sản xuất phim theo ngân sách của Nhà nước đặt hàng và gắn với quỹ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Có nhiều đại biểu cho là nên tổ chức đấu thầu. Quả thực vấn đề này thì chúng tôi cũng đã xem xét và cân nhắc, nhưng chúng tôi chỉ muốn nói với các đại biểu một con số sau đây, do ngân sách Nhà nước của chúng ta cũng còn hạn hẹp, hơn 10 năm gần đây tính ra mỗi năm Nhà nước đầu tư cho phim chỉ khoảng độ 65 tỷ 1 năm chỉ được 65 tỷ mà phải đầu tư cho khoảng 40 bộ phim, trong đó 20 bộ phim cho truyền hình, gần 15 bộ phim cho vấn đề tài liệu, phóng sự, còn chỉ khoảng 1 đến 2 phim trong 2 năm.

Tính ra 1 phim chỉ đến 2 tỷ trong 1 năm. Vì vậy, khi chúng ta thực hiện đấu thầu thì hầu như là không có đơn vị nào đấu thầu như chúng tôi đã lý giải. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội xem xét để có tính toán, chứ không phải là cơ quan soạn thảo không muốn đấu thầu”.

Chí Kiên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/quay-len-phim-tai-rap-roi-phat-tan-tren-mang-chua-xu-ly-hieu-qua-d169604.html