Quấy rối tình dục nơi công cộng và 'lỗ hổng' pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015 đã coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô... là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc, tuy nhiên với hành vi quấy rối tình dục thì chưa có quy định cụ thể. Mới đây, vụ việc một cô gái bị sàm sỡ, 'cưỡng hôn' trong thang máy nhưng đối tượng chỉ bị phạt 200.000 đồng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Công lý hay sự nhạo báng?

Trong buổi talkshow: "Nụ hôn 200k: Công lý hay sự nhạo báng" diễn ra chiều 23/3 do Csaga tổ chức, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, việc chỉ phạt 200.000 đồng với đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy theo Nghị định 167 của Chính phủ thể hiện sự bức xúc của cộng đồng mạng. Họ bức xúc vì hình phạt, mức độ xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

"Tôi gọi hành vi của đối tượng Đ.M.H sàm sỡ nữ sinh trong thang máy là hành vi tấn công tình dục, không phải sàm sỡ, hay ép hôn như dư luận phản ánh. Việc xử phạt quá nhẹ như một trò đùa, sự mỉa mai, sự nhạo báng phẩm hạnh người phụ nữ. Rằng, danh dự, nhân phẩm của của người phụ nữ không được coi trọng đúng mức", TS Khuất Thu Hồng nói.

Mức phạt 200.000 đồng cho hành vi quấy rối tình dục sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, thành viên Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, so với quy định hiện hành, việc áp dụng mức xử phạt hành chính trong vụ việc này không sai, nhưng nó không còn đúng so với nhận thức và hiểu biết của người dân về pháp luật hiện nay. Quy định như vậy đã rất lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống thực tiễn.

Không chỉ riêng sự việc này mà nhiều vụ việc gần đây cho thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật đã không còn phù hợp với đời sống thực tiễn, cần phải nhanh chóng sửa đổi, nâng cao chất lượng việc xây dựng các văn bản dưới luật. Làm sao để luật phải luôn gần sát với cuộc sống. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình trở thành sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người.

“Trong vụ sàm sỡ phạt 200 nghìn đồng, người đàn ông này đã sử dụng sức mạnh để gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và thậm chí là tình dục đối với cô gái trong thang máy. Như vậy nó không chỉ đơn giản là sàm sỡ. Với những hành vi cố tình tấn công điểm yếu về giới của phụ nữ như vậy, nếu để lại hậu quả nghiêm trọng thì có thể cấu thành tội hình sự. Nhiều nước trên thế giới quy định về hành vi “tấn công tình dục”. Trong bối cảnh tình hình thực tiễn ở nước ta, tôi cho rằng, “tấn công tình dục” cũng cần được cụ thể hóa vào trong luật”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Tạo tiền lệ xấu cho xã hội

Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự - TAND Tối cao cho biết, pháp luật hình sự hiện không đưa hành vi quấy rối tình dục vào các điều khoản để quy tội. Cơ quan chức năng xử lý người có hành vi này chỉ căn cứ vào Nghị định 167. Vì vậy, ông Quế đề xuất, cần nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa lại Nghị định 167, xem xét hành vi quấy rối tình dục dâm ô là một loại tội phạm, để nâng mức phạt đủ sức ngăn chặn và răn đe người có hành vi đồi bại này. “Những mức phạt không thỏa đáng khiến dư luận lo ngại những đối tượng có hành vi này sẽ “được đà lấn tới”. Mức phạt mà dư luận xã hội cho rằng “chẳng khác gì trò cười” này chắc chắn không đủ sức răn đe hay ngăn chặn những hành vi tương tự có thể sẽ xảy ra trong tương lai” - nguyên Chánh tòa Hình sự - TAND Tối cao khẳng định .

Còn đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là trường hợp điển hình thể hiện "khoảng trống pháp lý". Sự việc được dư luận quan tâm, hành vi của người đàn ông đáng lên án nhưng tiền phạt chỉ 200.000 đồng là quá thấp dù mức phạt "đúng quy định" vì nằm trong khung hình phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, theo điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với lỗi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".Thực tế này cho thấy một số quy định hiện hành chưa phản ánh hết thực tiễn cuộc sống và chưa đúng mức, chưa đủ sức răn đe với người vi phạm.

Ông Phạm Tất Thắng cũng đặt vấn đề xem xét sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP để phù hợp thực tiễn ở hai khía cạnh: chi tiết hóa hành vi vi phạm được điều chỉnh bằng nghị định và phải tính toán mức phạt để đủ sức răn đe. "Cũng đã đến lúc hành vi quấy rối tình dục cần phải được quan tâm và có quy định xử lý ở trong các văn bản quy phạm pháp luật", ông Thắng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng, quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với kẻ sàm sỡ nữ sinh viên trong thang là quá thấp và không có tính răn đe đối với người vi phạm, thậm chí còn có thể tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng xã hội.

“Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng, Hội LHPN Việt Nam đề nghị: thứ nhất, đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn cụ thể đối với các hành vi liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục (hiếp dâm, dâm ô, quấy rối tình dục…) và chế tài áp dụng để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội để các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em được giải quyết nghiêm minh, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội; Thứ hai, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung NĐ 167/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt phù hợp tương ứng với hành vi vi phạm liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục” – Bà Cầm cho biết.

Liên quan đến vụ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy phạt 200.000 đồng, mới đây Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138 về giải quyết phản ảnh của báo chí về một số vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra trong thời gian ra. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý vụ đối tượng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư. “Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp", Phó thủ tướng chỉ đạo. Kết quả xác minh, kiểm tra vụ việc nêu trên phải được báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/4 tới.

NGUYỄN SÍU - CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quay-roi-tinh-duc-noi-cong-cong-va-lo-hong-phap-ly-d93638.html