'Quê hương nếu ai không nhớ'

ĐTO - Theo thông tin từ báo chí, mới đây, khi tham dự triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: Tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta? Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc.

Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ đã khái quát trăn trở của những người tâm huyết, của nhân dân về việc dạy và học môn lịch sử thời gian qua.

Đã có nhiều ý kiến trên nhiều diễn đàn mổ xẻ, tìm nguyên nhân về thực trạng này. Một trong các nguyên nhân được nêu ra là ý nghĩa và giá trị thực tiễn của sự kiện lịch sử được giảng dạy như thế nào để học sinh, sinh viên có thể vận dụng vào đời sống thực tế mang tính thực dụng của nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, không chỉ giáo dục lịch sử dân tộc trong trường học mà còn là giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, sinh viên và quảng đại quần chúng. Nhưng việc này thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức.

Giáo viên, học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích mộ cụ Nguyễn Quang Diêu. Ảnh: HNG (ảnh tư liệu)

Tình yêu đất nước được ươm mầm, nuôi dưỡng, hun đúc để ngày càng sâu sắc từ tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Và tình yêu đó, với quê hương, bắt đầu từ những tên đất, tên sông, tên người bình dị; những lời ru, điệu hát, câu hò; những buổi vần công làm ruộng, tát đìa; những truyền thống như “tối lửa tắt đèn có nhau”... đã trở thành một phần máu thịt của mỗi người.

Thành phố, thị xã, thị trấn đều có các con đường được đặt tên, là địa danh, tên người hoặc sự kiện lịch sử. Nhưng có không ít người không biết tiểu sử, công lao của người hoặc nguồn gốc địa danh được đặt tên đường nơi mình sinh sống. Thế hệ trẻ lại càng không biết nguồn gốc, lịch sử những địa danh như Cao Lãnh, Tháp Mười. Không biết đã là điều đáng tiếc, càng đáng trách hơn là hiểu biết sơ sài, dẫn đến giải thích không đúng, xuyên tạc lịch sử.

Ngoài những giải pháp đã bàn, đã được thực hiện để tăng tính hấp dẫn, thu hút học sinh, sinh viên đối với môn lịch sử, thì việc tự giáo dục và giáo dục lịch sử địa phương là rất cần thiết. Không thể có một tình yêu và phụng sự đất nước nếu không có tình yêu, phụng sự quê hương. Muốn yêu, muốn phụng sự, cống hiến hết mình thì phải hiểu biết quê hương, đất nước như máu thịt của mình.

Bởi, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

Và như Thủ tướng đã nói: Muốn học sinh, sinh viên yêu lịch sử thì phải làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn là của Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông... và tất cả chúng ta.

Hữu Ý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe190e96/_que_huong_neu_ai_khong_nho_.aspx