Que kem 500 đồng của bố

Vị ngọt que kem, nụ cười của bố sau này theo tôi trong những hành trang mới của cuộc sống, mỗi khi nhớ ông tôi lại hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy. Tôi chưa bao giờ thấy ông vui đến thế!

Bố tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhập ngũ năm 1970, sau giải phóng ông về làm việc tại thị xã Buôn Mê Thuật. Năm tháng sống giữa buôn làng người dân tộc thiểu số, đối đầu với những trận tập kích của Phun rô (Fulro) dai dẳng khiến ông gầy đi, nước da đen rắn rỏi như những người đồng bào dân tộc Ê-đê. Mẹ tôi ngoài Bắc ngóng tin nóng ông nóng ruột nên đón tầu vào thăm, ông đón bà lúc Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Bà ở lại với ông nửa năm, thấy ông vất vả, hiểm nguy rình rập nên cứ nằng nặc đòi ông ra Bắc, nhưng lần nào cũng thế ông cũng gạt đi, rồi công việc liên miên nên mọi thứ đành gác lại.

Tôi sinh ra giữa năm tháng ấy. Là con gái đầu lòng, nghe mẹ kể ngày tôi chào đời bố tôi đang làm nhiệm vụ, vội vã lên bệnh viện đa khoa tỉnh bế tôi rồi cười hể hả: “Ô! Là cái hĩn hả?”. Ở với tôi được nửa tiếng ông lại đi, mẹ tôi chậc lưỡi nói bâng quơ: “May quá nó lại là con gái!”.

Khi tôi 2 tuổi, mẹ tôi thuyết phục bố không được liền khăn gói đưa tôi ra Bắc, phần vì nhớ người thân, phần vì bà muốn gây sức ép để bố tôi phải về quê. Đúng theo ý bà, 3 năm sau bố tôi xin nghỉ công tác về quê, bỏ lại bao nhiệt huyết, dự định với mảnh đất Tây Nguyên nặng tình, nặng nghĩa.

Sau này, những năm tháng chiến tranh ấy được bố tôi kể lại với chúng tôi trong những đêm giá rét cả nhà ngồi quây bên chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, hay những đêm oi ả ngồi túm tụm ở đầu hè. Bố tôi kể lại, hay nói chính xác vẽ lại những cảnh tượng giữa trận địa ông và đồng đội đang ngồi ăn, thình lình có người dính mảnh pháo đứt phăng ngang đùi, rồi những đánh ở trận Buôn Mê Thuật hành quân dưới bánh xe tăng xác người. Rồi cả những trận tập kích của Phun rô giữa đêm khuya, cả buôn đỏ đuốc, sáng hôm sau đạn găm thủng lỗ chỗ trên vách nhà gỗ. Tất cả câu chuyện ấy ông kể bằng thứ ngôn từ hào hùng, đậm chất lính những lúc đó lũ trẻ chúng tôi chỉ biết há hốc mồm ngồi nghe.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về với đời thường, ông lăn lộn ngược xuôi lo cơm áo gạo tiền nuôi tôi và cậu em ăn học, bố tôi già đi trông thấy. Những năm mới mở cửa kinh tế mọi thứ thật khó khăn, tôi đau ôm liên miên, bố tôi chạy vạy ngược xuôi lo thuốc thang. Dáng bố tôi còm còm đầu đội mũ cối, sau chiếc xe đạp nam là lỉnh kỉnh đủ thứ. Nếu phía sau không có hàng thì ngồi phía sau là tôi, tôi ôm lấy vạt áo bố giữa trưa tháng 5 rực nắng, lưng áo ông gồng lên, loang lổ mồ hôi.

Cuộc sống thôn quê chao đảo vì túng, vì nghèo. Ông nội và bố tôi không tìm thấy tiếng nói chung nên căn nhà 5 gian chia đôi. Bố tôi buồn, tôi thấy ông thường im lặng ngồi một mình với gói thuốc lá, ánh mắt buồn rượi, xa xăm. Lúc ấy tôi chạy lại, ông gạt ra, trên hốc mắt sâu của ông ầng ậc nước.

Năm 11 tuổi, tôi ốm, ốm một cách kịch liệt, hết bệnh này đẻ ra bệnh khác. Ốm đến nỗi bố tôi phát cáu phải gắt lên: “Mày bị ma ám à con?!”. Tôi bị yếu tim, rồi viêm cơ, uống kháng sinh, tiêm đến xưng vù hai bắp tay. Thấy tôi đau quá bác sỹ chuyển xuống tiêm mông, đến bệnh viện nhìn tôi như thế ông chậc lưỡi, thở dài: “Không biết có sống được nữa không?”.

Ông đi làm, chạy vạy vay mượn ngược xuôi lo cho tôi. Chật vật mãi cuối cùng tôi được ra viện, bệnh đã đỡ, nhưng người còn rất yếu đi phải vịn nhờ vào mẹ. Đón tôi ở cổng viện, ông bế xốc tôi lên phía sau xe đạp, nhìn tôi hất hàm: “Nhìn mày ổn đấy con. May quá mày sống rồi!”. Ông đặt ở phía sau rồi nhảy phắt lên xe đạp một mạch bỏ quên cả mẹ tôi ở phía sau.

Ông nói như hét: “Bám chắc nhé!” rồi nhấc mông đứng hẳn dậy đạp một mạch đưa tôi vào chợ huyện. Chợ huyện nghèo xác xơ, sạp hàng hóa thưa và mỏng, phía sau cánh đồng lúa đang thì con gái rộng và xanh ngát. Bố bế tôi đặt xuống ghế trong quán nước ven đường, ông mua tôi một que kem, đưa cho tôi ông cười ra lệnh: “Ăn đi!”.

Ảnh minh họa.

Tôi cầm que kem nhẹ đưa lên miệng, bố đưa tay vuốt tóc mai vén gọn ra sau tai tôi rồi cười, lâu lắm tôi mấy thấy ông cười. Nụ cười nhám khói thuốc, gò má rám nắng giãn ra, những nếp nhăn dần biến mất, đôi mắt thũng sâu của ông ánh lên sự vui vẻ. Gió đồng lồng lộng thổi vào quán nhỏ, que kem rỉ nước xuống tay tôi lạnh nhói. Tôi đưa kem lên miệng vị ngọt thanh, cái ngọt từ từ chảy từ đầu lưỡi rồi trở dần xuống cuống họng. Que kem làm tôi bừng tỉnh, mùi thơm nồng nồng vị chuối đưa lên hốc mũi, đẩy mùi kháng sinh lâu nay ngự trị trong tâm trí tôi. Bố quay sang nói chuyện với bà hàng nước, rồi kể với bà ấy rằng tôi vừa trải qua cơn bạo bệnh, thỉnh thoảng ông quay sang nhìn tôi rồi cười trên hàng mi là cái nhìn ấm áp.

Vị ngọt que kem, nụ cười của bố sau này theo tôi sau những hành trang mới của cuộc sống, mỗi khi nhớ ông tôi lại hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy. Tôi chưa bao giờ thấy ông vui đến thế! Và chắc cả đời tôi chưa ăn một que kem nào ngon đến thế!

Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái

Tác giả Nguyễn Thị Tuyến

Địa chỉ: Phường Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/que-kem-500-dong-cua-bo-d191119.html