Quê mẹ yêu thương

Được nghỉ Tết Kỷ Hợi sớm hơn mọi năm, tôi bay ngay về quê. Bước chân qua cánh cổng ven ao, tôi gọi to: 'Mẹ ơi! Con đã về này'. 'Chào con gái! Mẹ đi cấy, chắc phải một giờ nữa mới xong' - Là tiếng bố từ trong nhà vọng ra.

Mấy hôm trước bố còn ở Bình Thuận sửa tàu cá nói không biết khi nào sẽ về. Cũng gần một năm nay tôi chưa gặp bố rồi. Niềm vui quá bất ngờ, khiến tôi sững người ít giây rồi chạy ào vào lòng bố...

Cách đây một tháng, tôi về bên mẹ đúng vào ngày mưa giá rét. Đợt rét được dự báo là khắc nghiệt nhất của mùa đông năm nay ùa về sân nhà bằng những làn gió buốt lạnh. Thế mà bà ngoại, mẹ và các bác của tôi lại cười tươi rói, y như là xuân Tết đã về đến nơi rồi ấy. Cả cái ruộng ngô trước nhà nữa, hình như nó cũng cố gồng mình trước những đợt mưa gió để chào người bạn ở xa mới về.

Hình ảnh người mẹ gieo cấy lua. Ảnh: TTXVN

Quê tôi ở huyện Nông Cống, cách TP Thanh Hóa hơn 30km, nơi mà trước đây người ta thường nghĩ là “nghèo xác xơ”. Nghèo đến nỗi mà nhiều người muốn rời quê đi kiếm sống, không ít người mới nghe thấy đã không dám lại chơi. Thật ra, những năm 1960 của thế kỷ trước, quê tôi là vùng đất đói kém, người dân bỏ làng đi xin ăn khắp nơi. Ngọn núi Nưa như một biểu tượng của Nông Cống trước đây là rừng cây rậm rạp, nên lũ lụt không gây thiệt hại gì đáng kể. Nhưng khi rừng bị chặt phá, cứ mưa lớn là nước ngập đồng, còn vào mùa khô đất ruộng lại khô cong như chiếc bánh đa nướng. Vì thế mà mùa màng hay bị thất bát, cuộc sống của người dân đói nghèo theo sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trước đây người ta hay đọc câu ca “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi”. Khi còn đi học, tôi chẳng hiểu mô tê ý nghĩa của nó như thế nào. Sau này đọc tài liệu và hỏi những người lớn tuổi, tôi mới vỡ lẽ và càng thấy tự hào về quê hương thương yêu của mình. Ngay từ thế kỷ thứ 17, vùng đất Nông Cống được coi là vựa lúa, vựa ngô-khoai-sắn của xứ Thanh. Và sản vật nhiều nhất ở Nông Cống xưa nay vẫn là lúa gạo. Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Chữ và Nguyễn Văn Siêu, huyện Nông Cống trước và sau Công nguyên có tên là huyện Tư Nông (tức huyện có nhiều sản vật nông nghiệp). Theo "Đại Nam nhất thống chí" thì tên Nông Cống có từ thời nhà Trần về trước. Chữ Nông Cống, theo chữ Hán có nghĩa là cung cấp, cống nạp về lương thực, sản phẩm nông nghiệp. Khi Nông Cống được mùa, sẽ cung cấp lương thực cho các vùng xung quanh, cái đói cũng bị đẩy lùi.

Bà ngoại tôi còn kể rằng, câu ca xưa của người xứ Thanh là "Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa". Hạt gạo được hình thành từ quê tôi rất trắng, dẻo và thơm. Có lẽ do sự thơm thảo của hương lúa, của đồng ruộng, mà con gái Nông Cống đa phần là duyên dáng, xinh đẹp, nết na và đảm đang. Những chàng trai nào đã bén duyên con gái Nông Cống, thì cứ như bị dính keo, như bị thôi miên. Cũng từ đây, câu tiếp theo của “Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi” là câu “Mất mùa Nông Cống tả tơi mọi vùng”. Không chỉ có vậy, vượt ra khỏi tỉnh Thanh lại có câu “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống”, có nghĩa là Nghệ An có huyện Yên Thành là nhiều lúa gạo, thì ở Thanh Hóa phải kể đến Nông Cống. Gạo ngon ở Nông Cống có thể tìm hiểu ở đình Làng Lai xưa (xã Tân Khang). Trước đây, trong sắc phong của vua nhà Nguyễn còn lại câu: "Trí tứ tinh mễ sở" (vùng có gạo ngon nổi tiếng để tiến vua). Nông Cống xưa có làng Tinh Mễ, dưới chân núi Nưa thuộc xã Tân Khang là một trong bốn vùng có gạo ngon nổi tiếng ở nước ta.

Nông Cống gian khó một thời, nhưng lại là nơi giàu tình yêu thương nhất đối với tôi. Quê tôi giờ đã đổi thay rất nhiều, mà vẫn còn đó những ruộng lúa trải dài, những vườn ngô xanh mướt và những con đường thôn quanh co vào nỗi nhớ. Dường như chúng đã in tuổi thơ của tôi vào ký ức, để rồi mỗi khi bước trên con đường quen về với mẹ, thả ánh mắt vào màu xanh của ngô lúa, là muốn khóc òa, là muốn ôm tất cả vào lòng mà hôn hít, ngất ngây...

Quê tôi là vậy, thế mà không ít người lại hiểu sai đi câu ca xưa. Người ta cho rằng vùng đất Nông Cống là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, là năm tháng vật lộn với đói nghèo. Ngày nay, quê tôi vẫn là địa phương có diện tích trồng lúa nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với năng suất ngày càng cao. Nơi đây cũng đổi thay hằng ngày bằng phong trào “xây dựng nông thôn mới”. Có lẽ vì thế mà vùng quê nghèo năm xưa, giờ là nơi níu chân người, là nơi hò hẹn của những mối tình chung thủy. Làng tôi có một chàng trai quê đất Phố Hiến - Hưng Yên về đây lấy vợ rồi ở rể luôn. Giờ thì nhiều chàng trai khác cũng ao ước được làm rể, làm người yêu của con gái Nông Cống.

Rét 12 độ C, mẹ bảo tôi ra ruộng ngô tẻ trước nhà bẻ mấy cái bắp cho gà ăn. Chao ơi, mới chạm vào những chiếc bắp lông mịn, mà người tôi nóng lên hôi hổi. Gió mùa khiến những chiếc lá chạm vào má buồn buồn, ran rát, cảm giác như nó đang nhắc nhở mình một điều gì đó. Nhìn thấy thân cây vươn cao, là thấy ngay bao ngày tháng mẹ đã sớm hôm tần tảo vun trồng, chăm bón. Tôi cảm nhận như mình giống vườn ngô quá. Một tay mẹ chăm nuôi, một tay bố vỗ về, để chị em tôi lớn lên, được học hành đến nơi đến chốn và tung bay ra với cuộc đời. Nghĩ đến vậy, nước mắt của tôi trào qua bờ mi lúc nào không hay.

Ngày tôi còn học ở quê, mẹ thường dành lấy công việc đồng áng vất vả về phần mình. Chỉ khi nào công việc ngập đầu, thời vụ cần kíp lắm, mẹ mới bảo tôi ra ruộng. Theo mẹ ra đồng, đôi chân sáo của tôi tung tăng trên những bờ ruộng nhỏ. Hương đồng ngào ngạt, gió đồng vi vu thổi tâm hồn tôi bay lên. Cúi lưng cắm những nhánh mạ xuống ruộng, là thấy ngay cái mùi tanh ngai ngái của đất. Vục những gầu nước lên, là nghe thấy tiếng dào dạt của quê hương. Nhiều hôm cầm cuốc đi phát bờ cỏ, ngâm đôi chân trong bùn ruộng, mới thấm hết cái tình, cái nghĩa của mảnh đất này đã cùng con người trải bao ngày nắng mưa, làm nên hạt gạo Nông Cống dẻo thơm đến tận bây giờ.

Nhà tôi hiện có 3 sào ruộng trồng lúa. Trước Tết, mẹ cứ gọi điện thoại hỏi bao giờ tôi về để ra đồng giúp mẹ. Mùa vụ gấp gáp, nhưng cái Tết cũng cận kề, một mình mẹ xoay xở việc đồng, việc nhà. Những lúc ấy tôi chỉ muốn bay ngay về quê, để chia sẻ những giọt mồ hôi, chia sẻ những lo toan bộn bề với mẹ.

Vì cuộc sống mưu sinh của gia đình, bố tôi đã phải vào tận Thị trấn La Gi (Bình Thuận) làm thủy thủ tàu cá hơn chục năm rồi. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, bố chỉ về nhà một đến hai lần mỗi năm. Rồi khi lớn lên, tôi cũng tuột ra khỏi vòng tay của mẹ. Lên thành phố Thanh Hóa học năng khiếu, rồi vào mãi tận TP Hồ Chí Minh học nốt trung học phổ thông và học đại học, quê hương trong tôi chỉ còn đong đầy trong ký ức.

Những lúc nhớ con gái, mẹ thường kể cho tôi nghe về bố. Nông Cống chả liên quan gì đến biển, vậy mà bố lại trở thành một thủy thủ cừ khôi. Ông dong duổi theo các luồng cá khắp vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo... Một lần, bố bị tai nạn trong lúc đánh bắt cá ở vùng thềm lục địa phía Nam. Chân của ông va vào thành tàu bị rách thịt, máu chảy đẫm ra sàn. Được mọi người sơ cứu ban đầu, nhưng do mất máu nhiều nên bố lả đi. Thấy vậy, các thủy thủ điều khiển tàu đưa bố chạy vào Nhà giàn DK1.12 cách đó chừng 6 hải lý để cấp cứu. Các anh bộ đội hải quân xuống tận mép nước đưa bố lên phòng. Họ cầm máu, truyền nước, nấu cháo cho bố ăn. Chữa trị và nghỉ ngơi trên Nhà giàn DK1 hơn một ngày, bố đã dần bình phục. Năm ngoái có dịp xuống Vùng II Hải quân công tác, gặp Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh khi ấy là Chính trị viên của Tiểu đoàn DK1, tôi đã kể chuyện này cho anh nghe. Anh mỉm cười nói: “Cấp cứu ngư dân và người bị nạn trên biển đối với chúng tôi là chuyện rất bình thường. Anh em các nhà giàn cũng không nhớ hết những lần họ đã làm như vậy”.

Dịp cuối năm 2018, tôi cũng được đến thăm và tác nghiệp ở Vùng Cảnh sát biển 3. Một câu nói nữa của Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Vùng khiến tôi cứ ấn tượng mãi: “Mỗi ngư dân cũng là một người chiến sĩ. Họ cùng lực lượng vũ trang gìn giữ biển đảo của Tổ quốc. Em hãy tự hào vì mình là người con của một trong những người chiến sĩ ấy”. Đứng trên boong con tàu CSB 8001 nhìn ra khơi xa, tôi bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả. Tôi thấy như mình đang được vươn khơi, băng băng rẽ sóng đi từ vùng biển này tới vùng biển khác để bảo vệ những con tàu của ngư dân, trong đó có con tàu của bố. Tôi định hét thật to khi những con sóng xô vào mạn tàu: “Bố ơi! Con đang ở bên bố đây này” mà sao cổ họng nghẹn lại, ánh mắt nhòa đi. Chắc lúc này bố đang ở giữa trùng khơi với một luồng cá nào đó.

Đã lâu, vào dịp Tết nhà tôi mới họp mặt đông đủ như thế này. Những cái Tết vắng bố, ba mẹ con cứ đi ra, đi vào ngóng trông. Còn Tết này thì thật tíu tít và bận rộn. Tôi giúp bố dọn dẹp nơi thờ cúng, giúp mẹ rửa lá dong, ngâm gạo, thái thịt để gói bánh chưng và mua hoa. Có khi tôi còn rủ mấy đứa bạn đi chợ quê, dạo ngắm cả buổi mà chả mua được thứ gì. Ba ngày xuân, tôi hồn nhiên đi bên bố mẹ và em trai đến nhà họ hàng, bà con lối xóm chúc Tết. Năm nay, hầu như chả có ai ở làng còn lì xì, mừng tuổi cho một cô gái đã đến tuổi cập kê như tôi cả. Nhưng việc được sống, được sum vầy trong sắc xuân quê mẹ, lại là món quà lì xì vô giá đối với tôi.

Nhớ về TP Hồ Chí Minh nơi đang làm việc, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Những ngày Tết này, còn bao nhiêu anh chị công nhân, bao bạn sinh viên nghèo vì cuộc sống mưu sinh, hay vì một lý do nào khác, vẫn phải ngóng về quê mẹ với nỗi nhớ cồn cào ruột gan. Có thể các cơ quan, đoàn thể cũng đến tặng quà, hay tổ chức vui xuân, đón Tết cho họ, nhưng làm sao sánh được với Tết ở quê hương bây giờ. Quê hương, quê mẹ không chỉ có nghĩa là nơi ta sinh ra, lớn lên, mà nó còn là tâm tư, tình cảm, là sự thiêng liêng gợi lại trong ký ức người những hình ảnh cao quý, nhưng rất ấm áp nồng nàn để ta phấn đấu vươn lên. Những ngày Tết ở quê, chúng ta không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon, mà còn được chìm đắm vào tình mẹ cha, gia đình và tình họ hàng.

Tôi đã trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, mùa xuân quê hương cùng hình bóng mẹ hiền sớm hôm mưa nắng trên đồng đã ở lại phía sau. Tôi mong khi mùa lúa chín vàng, sẽ lại được về quê ăn bát cơm dẻo thơm nấu bằng gạo Nông Cống, để thấm hơn tình mẹ, tình quê, để lại thấy quê mẹ thương yêu cháy bỏng, thổn thức trong trái tim mình…

LÊ CÚC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/que-me-yeu-thuong-567119